|
Vì thế có thể khẳng định năm 2016, 2017 là thời điểm bùng nổ của mạng 4G. Theo Hiệp hội GSA, đến tháng 7/2015, công nghệ 4G/ LTE đã được 677 nhà mạng quan tâm và đầu tư triển khai tại 181 quốc gia. Về khai thác thương mại, hiện có 422 mạng LTE thương mai tại 143 quốc gia và sẽ tiếp tục tăng lên thành 460 mạng vào cuối năm nay, 600 mạng vào năm 2019.
Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) tiếp tục dẫn đầu thế giới về ứng dụng LTE với 68 mạng thương mại với 198 triệu thuê bao, chiếm 47,5% thuê bao di động của khu vực này và chiếm 26% trong tổng số 755 triệu thuê bao LTE toàn cầu. Trong khi đó, với lợi thế về dân số đông, khu vực Đông Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương chiếm tới 51% thuê bao LTE toàn cầu với 385 triệu. Phần lớn thuê bao đến từ các thị trường di động phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả thị trường đang phát triển.
Sau 2 năm chính thức triên khai, mới đây Trung Quốc cũng đã công bố có hơn 200 triệu thuê bao 4G LTE và dự kiến đến cuối năm nay sẽ là 300 triệu thuê bao, đồng thời sẽ vượt qua Mỹ để trở thành 4G LTE lớn nhất thế giới tính theo số lượng thuê bao.
Nhiều chuyên gia hi vọng vào sự thay đổi tại đây khi nhiều nhà mạng sẽ triển khai 4G hơn nữa tại châu Mỹ La tinh và Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Kết quả một báo cáo về tốc độ Internet di động vừa được Ericsson công bố thực hiện tại 9 quốc gia khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương. Trong đó, quốc gia có tốc độ internet di động cao nhất là Singapore, đạt 21.870 kbps, nhanh gấp đôi quốc gia đứng thứ hai là Australia với tốc độ là 11.190 kbps và gấp hơn 9 lần nước đứng thứ ba là Thái Lan (2.380 kbps), Malaysia đạt tốc độ 2.340 kbps, Indonesia 1.970 kbps. Tốc độ truyền dữ liệu di động trung bình của Việt Nam chỉ đạt 160kbps.
Theo kết quả một cuộc khảo sát trên diện rộng của Ovum (15. 000 thuê bao tại 15 thị trường lớn), có tới 50% thuê bao di động cho biết có tới 50% thuê bao di động được khảo sát cho biết họ sẽ rời mạng vào năm sau (2016). Cụ thể 25% cho biết dứt khoát sẽ chuyển sang nhà mạng khác, 25% còn lại thì cho biết có khả năng sẽ rời mạng họ đang sử dụng.
Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. 37% số người được hỏi cho biết tốc độ kết nối chậm là lý do chính khiến họ quyết định/hoặc có ý định rời sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác.
Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả: “Báo cáo dự án nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014”. khảo sát quan điểm của người dùng 3G đối với dịch vụ 4G và OTT. Kết quả cho thấy, phần lớn người dùng 3G chưa biết nhiều về dịch vụ 4G (79% người dùng 3G chưa biết gì về dịch vụ 4G). Chỉ khoảng 21% người dùng 3G được khảo sát có biết về dịch vụ này. Đối với những người có biết dịch vụ 4G thì đa số đều cho rằng dịch vụ này có tốc độ kết nối cao hơn. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ sử dụng nếu người khác sử dụng thử trước (59%).
Cũng theo khảo sát của GfK, 87% người sử dụng 3G tham gia khảo sát có sử dụng dịch vụ OTT. Trong đó, 83% có sử dụng Facebook chat/Messenger, 64% dùng Zalo, 45% dùng Viber, 23% dùng Yahoo! Messenger, 20% dùng Skype, 10% dùng Line.
Vì vậy, đứng trước sự kiện bùng nổ mạng băng rộng vào thời điểm 2016-2017, ứng dụng mạng OTT đang lấn sân và làm giảm doanh thu dịch vụ thoại và nhắn tin của các nhà khai thác viễn thông, sự không hài lòng về chất lượng và tốc độ mạng 3G hiện nay; theo như nhiều chuyên gia và cá nhân tôi nhận định, thời điểm đầu năm 2016 là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 4G.
Có ý kiến cho rằng: "4G mà dùng để đăng những hình ảnh, tải nhạc chuông hoặc truy cập web thì không có ý nghĩa. 4G phải dùng cho những ứng dụng lớn, trong thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, khi dữ liệu được truyền tải rất lớn. Còn nếu dùng cho những ứng dụng đơn giản như xem phim, chơi điện tử, truy cập web thông thường thì không có ý nghĩa, không giải quyết được vấn đề gì".
">