- Câu chuyện giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì đã phạt học sinh với hành vi tương tự đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự việc dù chưa ngã ngũ, nhưng đã xới lên một trong những vấn đề quan trọng nhất trong đối xử con người trong môi trường giáo dục. Làm gì để giáo viên không còn phải sử dụng tới những hình phạt phản cảm và tiếp sau đó dẫn tới phản ứng cũng phản cảm không kém của phụ huynh?Dưới đây, VietNamNet ghi nhận ý kiến của hai hiệu trưởng trường phổ thông là ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) và cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội).
Mong nhận thêm thảo luận của độc giả về vấn đề này. Các bài viết trao đổi xin gửi về: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn.
|
Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) |
Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản: Để thầy cô làm đúng vai trò của mình, phụ huynh học sinh cũng cần có sự tôn trọng, đồng hành.
Bởi thực tế, trong quá trình dạy học, các giáo viên cũng phải chịu muôn vàn áp lực. Nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ hoặc điều gì đó không hài lòng là phụ huynh mang lên mạng xã hội và thậm chí có những hành xử nặng nề.
Có phụ huynh, khi chúng tôi nhắn tin rằng con thường xuyên quên mang sách vở, đi học muộn,…những ngày sau, con vẫn đến trường muộn với đủ lý do kẹt xe, tắc đường.
Chúng tôi có giải thích chuyện tắc đường là khó tránh, thì cần có ý thức đưa con đi sớm hơn.
Hay nhà trường dạy học sinh phải đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều khi tham gia giao thông, tuyên truyền thường xuyên khi sáng nào cũng loa phát thanh, nhưng chỉ đội cho con để khỏi bị trường trừ điểm còn bố mẹ không đội. Như vậy rất khó để giáo dục trẻ em.
Khi xảy ra điều gì, phụ huynh thường chỉ kêu ca. Phụ huynh bức xúc thường chia sẻ lên mạng xã hội nhưng thực tế cần hiểu là các thầy cô giáo cũng bức xúc nhiều thứ.
Có những phụ huynh không bao giờ quan tâm tới con em mình. Có những phụ huynh 3 tháng liền không đóng tiền học phí và tiền ăn của con, giáo viên gọi thì tắt máy; thường xuyên đưa con đi học muộn rồi chuẩn bị thiếu sách vở cho con, trong khi gia đình thì không hề khó khăn,… nhưng khi nhắc chỉ trả lời giáo viên rằng: "Tôi bận lắm”.
Do đó, từ cả hai phía, cần có sự cảm thông và chia sẻ để đi đến mục tiêu chung là giáo dục tốt con trẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát: Tin vào hiệu trưởng, hiểu biết, có kỹ năng thì chẳng giáo viên nào phải quỳ gối trước một vài phụ huynh quá khích.
Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không thể hành xử theo kiểu "ăn miếng, trả miếng". Đạo lý nào cho phép cô bắt con em mình quỳ, phạt roi thì phụ huynh xông vào lớp bắt cô quỳ, tát cô trả lại?
Cái tát, hành động quỳ gối… không chỉ làm đau một người mà làm đau lớp lớp nhà giáo, đánh vào truyền thống cao quý “tôn sư trọng đạo”.
|
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát |
Ở góc độ người làm công tác quản lý, tôi cho rằng mọi hoạt động trong nhà trường hiệu trưởng đều chịu trách nhiệm. Điều này đang đặt ra yêu cầu công tác quản trị nhà trường của hiệu trưởng cần thay đổi.
Một hiệu trưởng tốt, trước hết về mặt thời gian làm việc không thể chỉ tính bằng 8 giờ/ngày. Quản lý tình huống liên quan đến con người hoàn toàn khác với quản lý một quy trình dây chuyền sản xuất, đòi hỏi hiệu trưởng phải sâu sát, nắm chắc diễn biến và can thiệp kịp thời. Lúc xảy ra, hiệu trưởng bình tĩnh, ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh, giáo viên. Sâu xa hơn, hiệu trưởng nắm chắc đặc điểm giáo viên, từng lớp trong trường, hoàn cảnh của những học sinh cần quan tâm để chủ động lo từ xa. Trường học thân thiện trước hết phải là trường học an toàn.
Hiệu trưởng là chỗ dựa của thầy cô, vậy nên hãy xây dựng quy tắc ứng xử, cách giải quyết sự cố rủi ro trong quá trình giáo dục. Sau xây dựng là tập huấn, giúp thầy cô có kỹ năng cần thiết. Tin vào hiệu trưởng, hiểu biết, có kỹ năng thì chẳng giáo viên nào phải quỳ gối trước một vài phụ huynh quá khích.
Giờ chào cờ mỗi tuần, qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, dạy học chính khóa, thầy cô phải giúp phụ huynh, học sinh hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ. Nếu được, cho học sinh thực hành. Chính học sinh là chỗ dựa quan trọng cho thầy cô khi có tình huống rủi ro.
Cấp ủy, đoàn thể, chính quyền địa phương, ngành giáo dục các cấp cần chung tay xây dựng trường học an toàn. Đó là những nhắc nhở, cam kết thực hiện, các chương trình phối hợp, xử lý nghiêm những trường hợp xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, thân thể của nhà giáo. Như vậy mới có thêm một chỗ dựa cho thầy cô lúc hữu sự.
Phương Chi - Thanh Hùng (ghi)
Giáo viên quỳ gối: Đạo lý nào bắt phụ huynh "ăn miếng, trả miếng"?
Những vụ giáo viên phạt học sinh, rồi chính giáo viên lại trở thành “nạn nhân” gây bão dư luận cho thấy việc dạy học ngày nay đã khác xưa rất nhiều.
">