|
Nhiều cơ hội, lắm thách thức!
Mới đây, Cộng đồng Mở IoT Việt Nam (IOCV - IoT Open Community for Vietnam) hiện có 21 đơn vị, công ty thành viên đã được thành lập, với sứ mệnh “tập hợp nguồn lực xã hội trong việc phát triển IoT mở, chia sẻ tự do, miễn phí cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động trên toàn cầu”.
Đây là một động thái của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đối tác là Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Câu lạc bộ Phầm mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) triển khai nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thích nghi, phát triển cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khẳng định tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các doanh nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng: “Việc ra mắt Cộng đồng Mở IoT Việt Nam mở ra một cách làm hoàn toàn mới cho việc phát triển CNTT, tạo nên một làn sóng mạnh mẽ với sự đóng góp của cộng động CNTT nói chung và các doanh nghiệp CNTT nói riêng trong công cuộc phát triển đất nước”.
Chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện ra mắt Cộng đồng IOCV, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI-ITB) - đơn vị đứng ra kêu gọi thành lập và là đầu mối chung của Cộng đồng IOCV cho rằng, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xuất phát từ nhu cầu, sự đòi hỏi ngày càng cao của “khách hàng” trong thời đại Internet, dẫn tới các tập đoàn, doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu đang tích cực đầu tư nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để đáp ứng các nhu cầu, đòi hỏi đó. “Thậm chí, nhiều người còn dự đoán rằng trong tương lai, các ngành sản xuất, dịch vụ không kết nối Internet sẽ bị loại bỏ”, ông Lợi chia sẻ.
Người đứng đầu Viện Tin học Doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với động lực là IoT, đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới. Trong bản đồ đó, các quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẽ bị tụt lại phía sau và thế giới sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các quốc gia chú trọng vào việc phát triển kinh tế tri thức dựa trên công nghệ sáng tạo.
Từ góc độ của Viện Tin học Doanh nghiệp, ông Lợi cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đến nhiều cơ hội song cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức.
Cụ thể, theo ông Lợi, sự phát triển của Internet và IoT mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội tích hợp để làm cho mọi thứ trở nên thông minh hơn trong những lĩnh vực như: giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị chăm sóc y tế, quản lý hạ tầng đô thị, quản trị du lịch… Với việc ứng dụng các công nghệ mới, doanh nghiệp có thể nâng cao được chất lượng, điều chỉnh được giá cả cho phù hợp với giá trị hàng hóa và nhờ đó có thể cạnh tranh, đánh bại những đối thủ lớn khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Điều này theo ông Lợi được minh chứng rõ ở sự thắng thế, “vượt mặt” của những startup công nghệ như Facebook, Google, Grab, Uber, AirBnB... trước các doanh nghiệp truyền thống từng thống lĩnh thị trường một thời gian dài.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội, ông Lợi cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có thể sẽ tạo ra hàng loạt nguy cơ, thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhận thức chậm hoặc không theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng này. “Các cuộc cách mạng công nghiệp trước thường kéo dài hàng thập kỷ, vì thế Chính phủ và các doanh nghiệp có thể thích ứng dần, thực hiện xây dựng hệ thống đào tạo, tổ chức lại thị trường…; còn với quy mô và tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ các nước sẽ đối mặt với các nguy cơ mới về CNTT và sự bất bình đẳng trong xã hội; các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường ngày càng bị thu hẹp”, ông Lợi nhận định.
">