Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolismcho biết fructose - loại đường có trong trái cây - chủ yếu được ruột non xử lý chứ không phải gan. Nhóm tác giả từ Đại học Princeton (Mỹ) phát hiện đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn có lượng đường cao sẽ khiến ruột non quá tải, gây áp lực lên gan.
Theo các nhà chuyên môn, ruột non có thể xử lý lượng đường này tốt hơn sau khi ăn.
Các nghiên cứu hiện tại đã chứng minh ăn quá nhiều đường có thể gây hại, đặc biệt cho gan. Những trường hợp nghiêm trọng dẫn đến béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, có thể gây tử vong. Trưởng nhóm nghiên cứu, Joshua D Rabinowitz, giải thích: “Có một sự khác biệt cơ bản trong cách cơ thể xử lý lượng đường nhỏ và lớn hơn”.
Theo Express,nhóm tác giả đã phân tích cách chuột tiêu hóa đường fructose và glucose. Họ phát hiện hơn 90% lượng đường fructose đã được ruột non xử lý.
Ông Rabinowitz nói: "Từ những nghiên cứu trên động vật, chúng tôi nhận thấy lượng đường fructose từ một lượng trái cây vừa phải sẽ không đến gan. Nhưng ruột non bắt đầu ‘choáng ngợp’ sau khi tiêu thụ một lon nước ngọt hoặc cốc nước cam to”.
Ngoài ra, uống nước trái cây, đặc biệt là các loại chua như cam, chanh, quýt, khi bụng đói dễ gây ra các vấn đề như táo bón, axit và đau dạ dày. Điều này do dạ dày của chúng ta trống rỗng trong một thời gian dài giữa bữa tối và bữa sáng.
Lượng vitamin C trong nước cam có thể tương tác với axit trong dạ dày, gây ra viêm loét. Đặc biệt, những người có bệnh dạ dày sẽ gặp các triệu chứng cấp như ợ nóng, đau quặn, viêm loét trầm trọng hơn.