Nhiều địa phương hình thành cơ sở dữ liệu cung cầu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản.Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Tuyên, các doanh nghiệp số Việt Nam cho ra đời nhiều sản phẩm, giải pháp hữu ích như: giải pháp nền tảng IoT hỗ trợ doanh nghiệp quản lý môi trường, vận hành và giám sát quá trình nuôi, trồng; hệ sinh thái nông nghiệp số cung cấp sản phẩm, giải pháp tích hợp giúp kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ data analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý.
Trong khi đó theo ông Võ Quốc Trung, Ban Chuyển đổi số tài nguyên, môi trường và nông nghiệp (Tập đoàn VNPT), để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần một số giải pháp như xây dựng hệ thống thông tin ngành Nông nghiệp; có giải pháp kết nối cung - cầu nông sản; quản lý chuỗi giá trị nông sản; quản lý nông thôn thông minh; xây dựng bộ giải pháp nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thu hoạch thông minh; truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn Việt Nam; minh bạch thông tin sản phẩm “từ trang trại tới bàn ăn”…
Trong Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 mới được Đồng Tháp ban hành, nền tảng chuyển đổi số sẽ chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn đầu là ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, quy trình xử lý, báo cáo, lưu trữ dữ liệu thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Trong giai đoạn tiếp theo, nền tảng chuyển đổi số sẽ tăng cường hơn nữa việc tự động hóa thu thập, xử lý, thống kê số liệu thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám; thông qua thiết bị giám sát IOT, thuật toán trí tuệ nhân tạo để quản lý, cảnh báo dịch hại, thiên tai...
Ở Quảng Bình, hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản kết nối với trung tâm dữ liệu tập trung là một trong những mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch số 2158/KH-UBND, thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, các thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản trong tỉnh, trong nước, thế giới được thu thập thường xuyên phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác, và kịp thời cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Quảng Bình sẽ hình thành cơ sở dữ liệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn, cùng bộ công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản; thiết lập được hệ thống mạng lưới cung cấp thông tin cung cầu nông sản của tỉnh, kết nối với trung tâm dữ liệu tập trung của ngành.
Đến năm 2030, Quảng Bình đặt mục tiêu ứng dụng hiệu quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, AI, Internet vạn vật…) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản trong và ngoài nước. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có thể tìm kiếm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản (trừ dữ liệu mật) trên môi trường mạng Internet, hoặc Cổng cung cấp dữ liệu mở của quốc gia, của các Bộ (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) và của tỉnh.
Quảng Bình sẽ hoàn thiện hệ thống mạng lưới cung cấp thông tin cung cầu nông sản; thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản.
Thu Thủy và nhóm PV, BTV" alt=""/>Đồng Tháp tạo cơ sở dữ liệu dự báo thị trường nông sản