YouTube đang ngày càng lộ rõ tiềm năng trở thành kênh giải trí thay thế truyền hình. Ngoài các video do người dùng thực hiện và đăng tải, hầu hết chương trình truyền hình hấp dẫn đều đã xuất hiện trên YouTube, người xem có thể tiếp cận bằng nhiều phương tiện khác nhau như smartTV, tablet, smartphone...Với nội dung phong phú, cách tiếp cận dễ dàng, YouTube đang trở thành lựa chọn giải trí ưa thích của ngày càng nhiều trẻ em - đối tượng luôn có nhu cầu vui chơi, tìm hiểu những điều mới lạ. Theo thống kê của ReelnReel, ở Hàn Quốc, 93% trẻ từ 3 đến 9 tuổi lên mạng 8-9 tiếng mỗi ngày. Ở Mỹ, 25% trẻ 3 tuổi lên mạng mỗi ngày, trong khi con số tương ứng với trẻ 5 tuổi là 50% và trẻ 8 tuổi là 70%. Ở Australia, 79% trẻ 5-8 tuổi lên mạng tại nhà.
Những con số trên lý giải vì sao các kênh YouTube hướng tới trẻ em đang ngày càng ăn nên làm ra. Năm 2015, kênh đánh giá đồ chơi Funtoys Collector vượt mặt PewDiePie để đạt số lượt xem cao nhất: 517,3 triệu lượt chỉ trong tháng 1/2015, tăng gấp 3 so với cùng kỳ 2014. Cuối năm 2015, 6/10 kênh được xem nhiều nhất trên YouTube có nội dung hướng tới trẻ em, mang lại gần 2 tỷ lượt xem chỉ trong một tháng.
Tốc độ tăng trưởng quá nhanh khiến nhiều YouTuber nghĩ ra đủ mọi cách để tối đa hóa nguồn lợi thu được. Một trong số đó là lồng ghép các thông tin quảng cáo vào video để nhận thù lao từ nhãn hàng, hoặc tự mình kinh doanh các sản phẩm được quảng cáo để kiếm lời.
Muôn kiểu lách luật
Năm 2015, chỉ vài tháng sau khi YouTube Kids ra mắt, ít nhất 3 nhóm bảo vệ người dùng đã đệ đơn lên Hiệp hội thương mại liên bang Mỹ yêu cầu điều tra các nội dung có "pha trộn" quảng cáo cho trẻ em.
Các tổ chức Center for Digital Democracy, American Academy of Child and Adolescent Psychiatry và Consumer Watchdog cho rằng nhiều nhà sản xuất nội dung đã dùng chiến thuật "host selling" - dùng nhân vật hoạt hình để bán sản phẩm trong video. Theo PCWorld, đây là thủ thuật phạm pháp từ những năm 1950 với nội dung truyền hình, nhưng lại đang được sử dụng rộng rãi trên YouTube vì chưa bị cấm bằng luật.
"Họ pha trộn nội dung giải trí và quảng cáo một cách bất hợp pháp và lừa lọc trẻ em", Dale Kunkel - Giáo sư truyền thông tại Đại học Arizona nói với The New York Times.
Trên Computer World, Josh Golin - Giám đốc điều hành Chiến dịch Tuổi thơ không thương mại (Campaign for a Commercial-Free Childhood - CCFC) nói rằng: "Cha mẹ thường không nhận ra nhiều video 'mở hộp đồ chơi' thực tế chỉ là loại quảng cáo âm thầm". Ông cho rằng những quảng cáo này cần được quản lý chặt, thậm chí cấm như Mỹ đã làm với nội dung truyền hình.
Các video thường không tự nhận là "quảng cáo", nhưng lại xuất hiện nhiều mặt hàng như kẹo ngọt, thức ăn nhanh, và hình ảnh nhiều nhân vật nổi tiếng, thậm chí trẻ em cùng mở hộp, trải nghiệm đồ chơi, ăn thử thức ăn, kẹo bánh... Đa số các kênh YouTube dành cho trẻ em được xem nhiều nhất 2016 theo thống kê của Social Blade đều làm về các nội dung trên.
"Trong nhiều trường hợp, các nội dung đó sẽ khiến trẻ em muốn thử các sản phẩm có hại và đắt đỏ", Laura Moy - Giám đốc Viện Đại diện Công chúng tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định.
Trẻ em không thể phân biệt nội dung quảng cáo
Tại các nước phương Tây, việc sàng lọc nội dung cho trẻ em, ngay cả trên Internet, là mối quan tâm hàng đầu. Những đặc trưng về nhận thức, khả năng phân biệt đúng sai khiến chính phủ các nước phải thiết lập quy định riêng đối với người sản xuất nội dung dành cho trẻ em.
Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang từng ra nhiều quy định về kiểm soát nội dung hướng tới trẻ em trên truyền hình. Logic của họ xoay quanh quan điểm: trẻ em cần được đối xử khác với người lớn, nhất là khi liên quan đến quảng cáo.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các bức tường bảo vệ tỏ ra ngày càng quan trọng, đặc biệt khi các công ty như Google, Facebook... hầu như tự do thu thập dữ liệu, theo dõi và phần nào đó điều khiển người dùng theo ý họ.
Chạy quảng cáo trên các nền tảng miễn phí là chiến lược bắt buộc với các công ty công nghệ. Tuy nhiên, ngay cả nền tảng miễn phí cũng cần được quản lý chặt chẽ khi trẻ em là đối tượng được hướng tới.
Trang nghiên cứu thị trường TheSEMpost từng nhận định quảng cáo cho trẻ em ngày càng khó khăn. Các nội dung quảng cáo được kiểm soát kỹ hơn, phần nào đó khiến chúng không còn "hấp dẫn". Tuy vậy, YouTube vẫn quyết chí thu tiền bằng các quảng cáo chạy trước khi mở video, thậm chí thi thoảng người dùng không thể bỏ qua quảng cáo.
Alternet từng khuyến cáo mục tiêu lớn nhất của các tập đoàn công nghệ là "đào tạo" ra một thế hệ người tiêu dùng trẻ, gắn họ vào vòng xoay không lối thoát của nền công nghiệp tiêu thụ, thao túng bởi các công ty tài trợ. Chiến lược của YouTube từng được nhiều trang phân tích chỉ rõ: họ giúp các nhãn hàng biến người trẻ thành fan, chịu ảnh hưởng và cuối cùng trở thành khách hàng tiêu thụ sản phẩm.
Chính vì thế, đã có nhiều chiến dịch phản đối việc chạy quảng cáo trên những nội dung hướng tới trẻ em. Mặc dù vậy, việc kiểm soát, hạn chế điều này đang được thực hiện không đồng bộ, nhất quán ở các quốc gia mà phụ thuộc vào quy định riêng của từng nước.
Theo Zing
" alt="Nhiều kênh YouTube dành cho trẻ em lách luật để quảng cáo" width="90" height="59"/>