Trong khi quyết định phê duyệt cho MobiFone được tách khỏi VNPT của Thủ tướng đã nằm trong dự đoán giới viễn thông, thì việc nhà mạng này được "nhẹ nhõm" ra ở riêng mà không phải gánh theo gần 60 đơn vị khác của VNPT lại khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, trong Đề án Tái cơ cấu VNPT mà Tập đoàn này trình lên Chính phủ, MobiFone đã được lựa chọn để trở thành doanh nghiệp độc lập, nhưng với tư cách "con gà đẻ trứng vàng" chủ lực của VNPT hiện nay (chiếm tới 60-70% tổng lợi nhuận Tập đoàn), chỗ trống mà MobiFone để lại trong VNPT là rất lớn. Việc VNPT đề xuất MobiFone gánh theo 60 đơn vị khác trực thuộc VNPT, trong đó có rất nhiều đơn vị đang thua lỗ, được coi như một giải pháp giúp Tập đoàn "giải quyết các khó khăn trước mắt" và sớm có thể ổn định hoạt động trở lại dưới thời hậu MobiFone.
Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT từng tiết lộ con số thua lỗ của các đơn vị này vào khoảng 1600 tỷ, lớn nhưng không phải là quá nặng nếu so sánh với doanh thu hiện tại của MobiFone, và rằng kể cả khi phải gánh thêm khoản nợ đó, MobiFone vẫn đủ sức, đủ lực để hoạt động tốt, tăng trưởng và quay trở lại cạnh tranh ngang ngửa với hai nhà mạng còn lại là Viettel và VinaPhone.
Thế nhưng vào phút chót, kịch bản đó đã không diễn ra. Sau 3 phiên làm việc của Tập thể Thường trực Chính phủ chỉ riêng cho vấn đề tái cơ cấu VNPT, Chính phủ đã quyết định chỉ tách riêng MobiFone để cổ phần hóa. Đây là một quyết định "rất thận trọng, được cân nhắc kỹ càng" từ phía Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết.
Việc MobiFone một mình ra ở riêng sẽ giúp doanh nghiệp này đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, không mất thêm nhiều thời gian tính toán, định giá lại tài sản vì phải gộp thêm hơn 60 đơn vị hạch toán phụ thuộc của VNPT nữa. Trong khi đó, yêu cầu từ phía Chính phủ là MobiFone và Bộ TT&TT phải trình được lộ trình cổ phần hóa nhà mạng này sớm nhất có thể.
"Cổ phần hóa là trọng tâm của hoạt động tái cơ cấu các Tập đoàn lớn, nhằm huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, đa dạng hóa thành phần kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh lại Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, có vẻ như là lý do lớn nhất đứng sau quyết định liên quan đến số phận của MobiFone.
Và tất nhiên, việc không phải gánh thêm khoản thua lỗ 1600 tỷ cùng một bộ máy cồng kềnh, mất nhiều thời gian để tách - nhập, sắp xếp lại sẽ giúp MobiFone có một hồ sơ "đẹp", "sáng" để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi tiến hành cổ phần hóa.
"Sau khi cổ phần hóa thành công, có lợi nhuận thì MobiFone có thể quay lại đầu tư cho VNPT cũng được",Bộ trưởng chia sẻ.
Trong cuộc Tọa đàm về Thị trường Viễn thông Việt Nam 2014, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông có áng chừng rằng, thời gian để cổ phần hóa xong MobiFone nhanh cũng sẽ mất 2 năm. Nhưng đó là với kịch bản doanh nghiệp này phải gánh thêm các đơn vị thua lỗ từ VNPT. Giờ đây, khi được một mình chia tách, MobiFone sẽ có thể đẩy được lộ trình cổ phần hóa này sớm lên, và đích đến 2015 trở nên "khả thi".
Rõ ràng, với việc "tháo xích" cho MobiFone, Chính phủ đã phát đi một thông điệp rõ ràng về nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp, hướng đến một thị trường viễn thông bền vững, lành mạnh, cạnh tranh. Những ý kiến lo ngại của một số chuyên gia viễn thông lão thành trước đó về việc MobiFone tách ra để rồi lại quay lại trở thành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ - xem ra không còn cần phải đặt ra lúc này nữa. Còn nhớ cũng tại cuộc Tọa đàm nói trên, TS.Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (tiền thân của Bộ TT&TT) đã nêu ý kiến rằng: "Tách MobiFone ra thì phải cổ phần hóa công ty này. Nếu tách MobiFone ra lại thành lập công ty Nhà nước để cho 3 anh cùng ngang ngửa nhau, cùng là Nhà nước cả thì tôi cho rằng không lành mạnh".
Liên quan đến việc cổ phần hóa MobiFone trong thời gian tới, Bộ trưởng Son khẳng định đây là một nhiệm vụ mà Bộ "chắc chắn phải làm tốt nhưng vẫn cần thận trọng".Hơn nữa, tất cả các đơn vị liên quan phải xác định đây là một "trách nhiệm chung" chứ không phải câu chuyện của riêng MobiFone.
Phải làm sao để cổ phần hóa thành công, để duy trì được một thương hiệu quốc gia quan trọng như VNPT và đảm bảo cho cả VNPT lẫn MobiFone đều có thể tiếp tục phát triển - đó là bài toán đang đặt ra cho Bộ TT&TT lúc này.
Tất nhiên, Bộ trưởng cũng nhận ra tình cảnh khó khăn của VNPT lúc này. Ông đã yêu cầu tất cả các đơn vị chức năng có liên quan hỗ trợ, tư vấn cho VNPT để triển khai đề án Tái cơ cấu đã được duyệt, như thoái vốn ra sao, giải thể những công ty nào, có nên sở hữu dưới 20% cổ phần tại MobiFone hay không?
Lợi nhuận quý 1 của VNPT tăng 40%">