Dự án đang được Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang cùng Cơ quan mua sắm quốc phòng và công nghệ Pháp (DGA) thảo luận. Pháp bắt đầu tập trung vào dự án này sau khi Nga, Iran và Israel tăng cường thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong thời gian gần đây.
Nếu chế tạo thành công, tên lửa này có sức mạnh tương tự tên lửa Fattah của Iran cũng như DF21 và DF26 của Trung Quốc. Ngoài ra, tên lửa mới của Pháp có thể thay đổi quỹ đạo, khiến việc đánh chặn nó gần như không thể.
Dự án có thể tốn hàng trăm triệu euro và được ArianeGroup phát triển, trở thành một phần của dự án ELSA thuộc châu Âu.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Ukraine bắn tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và Storm Shadows của Anh vào khu vực Kursk và Bryansk của Nga.
Để đáp trả, Nga tiến hành cuộc tấn công vào cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhà máy Yuzhmash, tại Dnipro bằng tên lửa tầm trung mới nhất mang têm Oreshnik. Nga cũng cập nhật học thuyết hạt nhân để tăng cường năng lực bảo vệ đất nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cho biết nước này muốn tham gia sáng kiến của Pháp về phát triển tên lửa tầm xa. Hôm 27/12, ông Brekelmans có chuyến thăm chính thức tới Paris.
"Tại Paris, tôi tuyên bố Hà Lan mong muốn tham gia vào sáng kiến của Pháp về phát triển tên lửa tầm xa cùng với 5 đối tác, gồm Đức, Italy, Ba Lan, Vương quốc Anh và Thụy Điển. Chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa ở châu Âu",ông Brekelmans nói.
Hồi giữa tháng 8, Đại sứ Nga tại Vương quốc Anh Andrey Kelin thông tin sáng kiến của phương Tây nhằm cùng nhau chế tạo tên lửa là rất nguy hiểm và Nga sẽ có phản ứng thích đáng.
Trong khi đó, Nghị quyết của Đại hội đồng Nghị viện NATO vừa kêu gọi các nước thành viên liên minh cung cấp tên lửa tầm trung cho Ukraine với tầm bắn từ 1.000 - 5.000 km theo quy định của Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).