Danh Mục Hiện Tại: Danh Mục:Trang Chủ > Thế giới > Tình yêu tuổi 20 của nhà văn trẻ Hiền Trang

Tình yêu tuổi 20 của nhà văn trẻ Hiền Trang

2025-01-15 08:12:47 Nguồn:NEWS Tác Giả:Giải trí View:350lượt xem

Bên cạnh sáng tác văn chương, Hiền Trang còn là cây bút trải rộng nhiều lĩnh vực từ văn chương, âm nhạc đến hội họa, điện ảnh... Chia sẻ với Tri thức - ZNews, chị tâm sự về tác phẩm Tại sao ta yêu- tập tiểu luận đã cho Hiền Trang thỏa lòng bày tỏ tình yêu với những người nghệ sĩ góp phần hình thành nên chị của ngày hôm nay.

Một phần của bộ ba tác phẩm "Yêu"

- Được biết cuốn sách này ra đời vốn dĩ từ một lời “đặt hàng” của đơn vị xuất bản?

- Gọi là đặt hàng thì nghe có vẻ công nghiệp quá. Chỉ là một hôm, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên biên thư cho tôi, bảo rằng anh có một ý tưởng này rất hay định bảo với em, sợ không nói luôn thì nguội mất.

Anh Nguyên đọc mấy bài viết của tôi về việc tại sao ta yêu Modiano, tại sao ta yêu Murakami trên tạp chí Tia Sáng. Anh mới nghĩ, nếu có thể, sao em không viết một cuốn sách với tựa đề Tại sao ta yêu, và mỗi chương là về một nhà văn, nhạc sĩ, nhà làm phim, nghệ sĩ, hoạ sĩ… mà em yêu. Thực ra, lúc đấy tôi vừa mới… thất tình. Mới thất tình mà lại viết về “yêu”, lại còn lý do ta yêu, nghe hơi tra tấn, nhưng vâng, cuối cùng tôi đã viết.

- Chị là cây bút quen thuộc trên các mục văn học - điện ảnh - âm nhạc của nhiều tờ báo, tạp chí. Trải nghiệm viết cuốn sách này khác biệt ra sao với việc viết phê bình, cảm nhận cho các mục kể trên?

- Mấy năm gần đây, tôi nhận được một số lời đề nghị tập hợp bài viết đã đăng trên báo chí thành một tuyển tập viết về âm nhạc hay phim ảnh. Nhưng tôi đều thoái thác. Tôi biết những gì mình đã viết trên mặt báo chỉ nên để đọc trên mặt báo. Đọc xong rồi là thôi. Không nên cho chúng tái sinh trong những hình thức không phù hợp.

Tôi thật sự không biết xếp cuốn này vào dạng gì. Tôi đã viết ngay chương đầu: “Cuốn sách này có thể là một cuốn sách không cần thiết, nó quá riêng tư để gọi là phê bình, quá cảm xúc để gọi là tiểu luận, nó tùy tiện hơn cả tùy bút, nhưng dụng công và nhiệt tình hơn một bài cảm nhận thông thường. Tóm lại, nó không thực sự có một vị trí nào. Nhưng tôi vẫn sẽ viết nó. Vì tình yêu”.

Khác với những bài viết bị giới hạn về số từ trên mặt báo, Tại sao ta yêucho tôi đủ không gian để yêu những nghệ sĩ tôi yêu. Vâng, tình yêu cần một không gian thật rộng để đi tới cùng. Chẳng hạn, trên báo thì sẽ không có chỗ để tôi kể về một khoảnh khắc như tiếng nuốt nước bọt của Paul McCartney trong một bản ghi âm của The Beatles, cũng chẳng thể có chỗ cho tôi kể lể về một lần tình cờ nghe nhạc Chopin vang lên trong một thánh thất Cao Đài, hay căn gác tư nóng nực nơi lần đầu tiên tôi diện kiến một bản in tranh của Monet.

Tại sao ta yêulà tự sự của riêng tôi. Rất có thể, những nhân vật trong sách cũng chẳng phải họ, mà là bóng hình họ phản chiếu trong ký ức của tôi.

Hiền Trang

Dù sao, trên báo là viết cho đại chúng, cần những cảm nghĩ tương đối khách quan, còn Tại sao ta yêulà tự sự của riêng tôi. Rất có thể, những nhân vật trong sách cũng chẳng phải họ, mà là bóng hình họ phản chiếu trong ký ức của tôi.

Nếu phải so sánh, tôi nghĩ Tại sao ta yêutiếp nối tinh thần tập truyện ngắn Dưới mái hiên đêm, những khách lạ trước đó của tôi, cũng nói về những nhân vật nghệ thuật như Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Shakespeare, Hemingway, Elvis Presley - chỉ khác là tập sách ấy theo đuổi hình thức truyện hư cấu. Sau đó, tập truyện ngắn về những nhân vật văn học Việt NamNhững khán giả ngồi trong bóng tốikhép lại trilogy Yêunày.

hien trang anh 1

Nhà văn Hiền Trang.

- Cuốn sách này mở đầu với Haruki Murakami - tác giả nổi tiếng nhất với Rừng Na Uy- tiểu thuyết đặt tên theo một bài hát của The Beatles. Và trong chương cuối cùng về The Beatles, chị lại nhắc đến truyện ngắn With the Beatlescủa Haruki Murakami. Chị có dụng ý gì với cách sắp xếp này hay không?

- Bản thân trong chương về Murakami, tôi cũng viết một đoạn đại thể rằng, rất nhiều người coi Murakami là một kiểu phong trào. Người ta thích khẳng định rằng, “tác giả yêu thích của tôi là Murakami”, bởi điều đó đồng nghĩa với việc khẳng định rằng “tôi sâu sắc, tôi trí tuệ, tôi này nọ”.

Murakami từng có thời là một mã vạch văn hóa đại diện cho giới trí thức bình dân. Đến mức ghét Murakami cũng là một kiểu phong trào, khi ai đó khẳng định “tác giả tôi không ưa là Murakami”, thì nó lại có nghĩa “tôi mới là người sâu sắc và trí tuệ thực thụ đây này, chính vì thế nên tôi không chấp nhận nổi một thứ văn chương đại chúng giả danh bác học như ông ta”.

Tôi mở đầu bằng Murakami một phần vì lẽ ấy. Để khẳng định rằng tôi viết tập sách này vì tình yêu. Chỉ vì tình yêu chứ chẳng vì để chứng minh mình có gu đọc cao siêu hay gì cả.

Tôi không vì Murakami là một nhà văn tương đối dễ đọc mà bỏ qua ông. Có thể kể vài trăm nhà văn xuất sắc hơn ông, nhưng chưa chắc ta đã yêu nổi họ. Ta có thể kính cẩn, sợ hãi, choáng váng trước họ. Văn chương của Murakami thì như một người bạn để yêu. Tôi nhận ra “tình yêu” là nhạc chủ đề cho đời mình.

hien trang anh 2

Sách Tại sao ta yêu. Ảnh: T.A.

Trả ơn những nghệ thuật gia

- Có lý do nào cho thứ tự xuất hiện của những nhân vật khác trong sách hay không?

- Murakami là người mở đầu rồi, thì The Beatles phải là người kết thúc. Chương về ban nhạc nước Anh cũng là chương dài nhất trong cuốn sách. Bởi đơn giản, The Beatles chính là tình yêu, chính là tuổi trẻ, chính là cuộc sống, và trên tất cả, chính là âm nhạc, và như thế có nghĩa họ là tất cả.

Tôi dùng cuốn sách này để trả ơn những nghệ thuật gia đã định hình những năm đầu đời mình, cũng là để khép lại 10 năm sáng tác đầu tiên, từ khi tôi ở độ tuổi 20 đến giờ là 30 tuổi. Vậy thì nó phải kết thúc bằng chương ấy.

Với các nhân vật khác, tôi cân nhắc về tiết tấu và nhịp độ từng bài tiểu luận, như sắp xếp một đĩa nhạc với những track dài, track ngắn. Tôi cũng cho rằng mình có một sợi dây xuyên suốt nối chương nọ qua chương kia, ví dụ ở Murakami đang nói về tiết tấu jazz và những ứng tác ngôn từ, thì sang chương Norah Jones là một nữ nghệ sĩ jazz, và có jazz trong văn chương, jazz âm nhạc, thì sang chương 3 phải là jazz điện ảnh, phải là Vương Gia Vệ.

- Ngoài ra, trong cuốn sách rất nhiều nhân vật lại xuất hiện ở chương về nhân vật khác. Có lẽ thế giới nghệ thuật mà Hiền Trang yêu thích đều có thể đặt lên cùng một bản đồ?

- Vâng. Cũng như những bộ phim của đạo diễn người Nhật Ozu Yasujirō, ta thường thấy những diễn viên cứ đi hết từ phim này qua phim kia, tôi cũng muốn một cuốn sách mà các nhân vật có thể dịch chuyển trong rất nhiều chiều không gian.

Tôi dùng cuốn sách này để trả ơn những nghệ thuật gia đã định hình những năm đầu đời mình, cũng là để khép lại 10 năm sáng tác đầu tiên, từ khi tôi ở độ tuổi 20 đến giờ là 30 tuổi.

Hiền Trang

Từ "bản đồ" là một từ rất hay. Mỗi nhân vật như một lục địa, và các lục địa liên tục trôi dạt, va đập vào nhau, gặp gỡ nhau không phải trong hiện thực mà trong những giấc mơ của cái đẹp.

Điều tôi thích nhất khi thưởng thức văn chương, phim ảnh, âm nhạc hay hội họa chủ yếu cũng nằm ở chỗ, tôi thích khám phá những cuộc hội thoại ngầm của các nhà nghệ thuật với nhau. Cảm giác nghe lỏm những rì rầm ấy rất đặc biệt.

- Chị chọn lựa nhân vật cho cuốn sách ra sao? Ai đến trước, ai đến sau? Ai đã "suýt" lọt vào chung khảo nhưng cuối cùng chị tạm gác lại?

- Khi tính toán các nhân vật trong sách, tôi nhớ tới một bài viết của nhà phê bình Roger Ebert khi ông chọn ra 10 bộ phim ông yêu. Ông nói rằng, ông chọn hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc, nghĩa là không vì Casablancanhà nhà đều đã xem mà loại bỏ nó, cũng chẳng vì một bộ phim nào đó phức tạp khó xem hơn gấp nghìn lần mà chọn vào chỉ để… khoe kiến thức.

Cuốn sách này là Tại sao ta yêu. Nên tôi chọn những người phù hợp với hình ảnh “người tình”. Có nhiều tác phẩm lớn. Nhưng có tác phẩm khiến ta kinh sợ. Có tác phẩm khiến ta hồn xiêu phách lạc. Có tác phẩm khiến ta như bị búa đập vào sọ. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói về yêu.

Hẳn nhiên tôi cũng cố tình chọn những người gần gũi hơn với đại chúng, vì có rất nhiều “người tình” trong thế giới nghệ thuật mà tôi tiếp nhận không thân thuộc với đa số khán giả Việt Nam. Tôi rất muốn viết về John Field - một nhà soạn nhạc Ireland, hay Yutaka Ozaki - một nhạc sĩ, ca sĩ Nhật Bản, hay Masahiro Shinoda - một nhà làm phim Nhật Bản, hay Henryk Wieniawski - một nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ vĩ cầm người Ba Lan, nhưng đành gác lại.

- Để đầu tư cho cuốn sách, hẳn chị không chỉ xem phim, đọc sách, nghe nhạc, ngắm tranh, mà đã dành thời gian nghiên cứu rất nhiều tài liệu phê bình, review và cả... chuyện bên lề? Chị mất bao lâu để hoàn thành bản thảo?

- Trên thực tế, quá trình viết diễn ra trong 8 tháng. Nhưng tôi luôn có cảm giác mình đã viết cuốn sách trong 20 năm đời mình. Liên tục viết nó một cách vô hình. Còn khi soạn bản thảo chỉ là hữu hình hóa tất cả những gì mình đã viết, đã chỉnh sửa trong vô thức thôi.

Tất nhiên, về kỹ thuật, đúng là cuốn sách ngốn của tôi rất nhiều thời gian và công sức. Tôi gần như xem lại toàn bộ tác phẩm của những nhân vật trong cuốn sách: danh sách phim của Yasujiro Ozu, Vương Gia Vệ, Audrey Hepburn, Trương Quốc Vinh; danh sách các trước tác của Kafka, Nabokov, Oscar Wilde, Modiano, Murakami; âm nhạc có lẽ đơn giản hơn vì hàng ngày mình vẫn nghe Chopin, The Beatles, Leonard Cohen… Cách làm việc khi ấy là, một tháng viết hai nhân vật, và luôn là một nhân vật “dễ”, theo nghĩa mọi thứ đã thường trực trong đầu chỉ việc viết ra, và một nhân vật “khó”, đòi hỏi tôi phải nghiền ngẫm lại các trước tác của họ.

hien trang anh 3

Tác giả Hiền Trang. Ảnh: FBNV.

- Giờ đây đọc lại cuốn sách, chị có hài lòng không? Hoặc chị có mong muốn điều chỉnh, bổ sung trong những lần tái bản?

- Tôi sợ đọc lại những thứ mình viết lắm. Tránh được là tránh hết. Nhưng cũng có khi đọc lại, tôi thấy bất ngờ. Tôi nhận ra mình từng yêu nghệ thuật rất trong sáng và vô tư. Đôi khi một vài trang vẫn khiến tôi xúc động hệt như khi tôi đặt bút, như đoạn về một cửa hàng băng đĩa nơi tôi từng mua một chiếc đĩa của Norah Jones, hay khoảnh khắc tôi cố gắng nhớ lại mình đã làm gì vào lúc Trương Quốc Vinh từ giã cõi đời.

Còn mong muốn chỉnh sửa thì tôi không. Cuốn sách viết ở độ tuổi cuối 20 đầu 30, thì cứ để nó như thế. Nếu đến năm 40 tuổi còn nhu cầu viết về tình yêu cái đẹp, tôi muốn đó là một tình yêu kiểu khác.

Phần thưởng lớn nhất tôi có thể dành cho bản thân đó là dành thêm nhiều thời gian để viết.

Hiền Trang

- Chẳng có nhà văn nào viết sách với mục tiêu giành được giải này giải kia. Tuy nhiên, có thể nhận thấy dường như chị khá có duyên với các giải thưởng. Những thành quả ấy có ý nghĩa như thế nào với cá nhân chị?

- Có một số người cười cợt tôi vì cuốn sách này. Một số khác lại yêu quý nó. Một số ưu ái nó, trao giải thưởng cho nó. Tôi vui vì giải thưởng, đôi khi không tránh khỏi cảm giác, à vậy là mình có giải thưởng, dù ai có cười cợt gì mình thì mình cũng được giải cơ mà. Nhưng cảm giác ấy trôi qua rất nhanh vì cá nhân tôi luôn biết mình ở đâu, mình thực sự có gì, còn cái gì là cái mọi người ưu ái mà thêm thắt cho mình.

Tôi đã gặp nhiều may mắn trong việc viết lách, tôi biết ơn vô kể, nhưng sau rốt, cái quan trọng là tiếp tục viết thôi. Phần thưởng lớn nhất tôi có thể dành cho bản thân đó là dành thêm nhiều thời gian để viết.

(*) Ảnh đầu bài viết: Phim My blueberry nightscủa đạo diễn Vương Gia Vệ với sự tham gia của Norah Jones.

Hiền Trangtừng xuất bản một số tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập tiểu luận như Bức tranh cô gái khoả thân và cây vĩ cầm đỏ; Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi; Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; Dưới mái hiên đêm, những khách lạ; Chopin biến mất; Tại sao ta yêu; Những khán giả ngồi trong bóng tối; Quán bar trong bụng cá voi... Chị cũng là dịch giả các cuốn sáchDưới bánh xe cuộc đời, Ông già và biển cả.

Tại sao ta yêu mới đây đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 năm 2024.

Tác Giả:Thế giới
------------------------------------
Kèo Nhà Cái
Hình Ảnh
Tin HOT Nhà Cái