|
Năm ngoái là năm bùng phát với các nhà sản xuất smartphone. Theo hãng nghiên cứu IDC, dù doanh số tăng gấp 3, đạt 1,47 tỷ USD năm 2016, tăng trưởng năm chưa đầy 2%. Không lâu trước, tăng trưởng hai chữ số còn là điều bình thường.
Gần đây, các sản phẩm mới được cập nhật cung cấp ít tính năng mới và nâng cấp hơn. Như một hệ quả, sự thỏa mãn với các công nghệ mới cũng giảm theo, người dùng bắt đầu tìm kiếm giá thấp hơn như lý do để “lên đời” thiết bị.
Trong 5 năm qua, giá trung bình của smartphone chạy Android loanh quanh 200 USD. Điều đó đồng nghĩa các đối thủ của Apple chấp nhận thu khoản lời nhỏ hơn, tập trung nhiều hơn vào giảm giá thay vì theo đuổi sáng tạo. Hậu quả rõ thấy nhất là người tiêu dùng cảm thấy smartphone ít giá trị hơn, càng gây áp lực lên giá máy.
Phục vụ khách hàng trung thành
Apple cũng gặp khó khi thị trường bão hòa. Công ty không thể gây bất ngờ từ các sự kiện giới thiệu sản phẩm như cố CEO Steve Jobs từng làm được khi ra mắt iPhone đầu tiên một thập kỷ trước.
Cũng như phần còn lại của ngành di động, Apple mất đi nhân tố “wow” vài năm trước, trong khi phải đối đầu với nhiều đối thủ “hao hao” iPhone. Đầu năm 2016, Apple bắt đầu giảm sản lượng iPhone, để lại những ngày huy hoàng phía sau.
Tiếp đó, đến mùa mua sắm cuối năm, iPhone 7 trở thành “hit”. Ngoài một số cải tiến, mẫu iPhone này không có gì lạ ngoại trừ tính năng chống nước. Trong 3 tháng khép lại năm 2016, Apple bán được 78,29 triệu iPhone khắp thế giới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước đó và phá kỷ lục về doanh số quý.
Một lý do khiến iPhone bật trở lại là lượng người hâm mộ của nó. Trong thị trường “có mới nới cũ”, smartphone của Apple vẫn thu hút được 80% người dùng hiện có khi model mới ra mắt. Không nhiều người chuyển từ iPhone sang Android.
">