Ngán ngẩm với xin –cho
Hiện tượng nhiều trường ĐH-CĐ đang tìm cách thu hút người học bằng nhiều hình thức, từ rải tiền với mức học bổng “khủng” đến chi tiền “cò” cho người giới thiệu thí sinh nhập học, nhìn ở một góc độ khác, giáo dục Việt Nam đang từng bước cố gắng thoát khỏi cái “vòng kim cô” bao cấp và cơ chế xin – cho.
Là người có hơn 10 năm công tác trong ngành giáo dục bậc đại học, tham gia tư vấn tuyển sinh nhiều ở các địa phương, tôi nhận thấy chưa năm nào như năm nay nổi lên hiện tượng nhiều trường đại học ,cao đằng ( ĐH –CĐ) có cả công lẫn tư dùng nhiều chiêu bài để “câu” thí sinh như năm nay.
Nhiều ý kiến đã tranh luận về vấn đề này; nhưng phần lớn “nói quá nhiều” về tiêu cực một cách “dè dặt” nhưng nếu nhìn ra giáo dục thế giới, và nhìn ở một góc nhìn khác hiện tượng trên phản ánh một quy luật tất yếu của sự phát triển…cái gì gò bó và mang nặng tính chủ quan, cái đó sẽ phát sinh mâu thuẫn…mâu thuẫn thì phải giải quyết, giáo dục đại học không là ngoại lệ..
Ai làm công tác giáo dục đại học cũng ngán ngẩm với cơ chế xin –cho chỉ tiêu tuyển sinh hiện giờ, cái cơ chế đã làm cho Bộ GD - ĐT trở thành “ông chủ” , là “cha” của các trường đại học, ôm đồm nhiều thứ và tất yếu sẽ không thể nào “lo chu tất” cho gần 200 đứa con nên mới có chuyện, đứa có thực lực thì cho ít, còn đứa khéo “nịnh đầm” thì dù có ít thực lực cũng cho nhiều.
Chính sự bất công này đã dẫn đến những “bất mãn” ngấm ngấm trong nhiều năm qua; đến năm nay thì nó bắt đầu lớn lên và “vùng vẫy”.
Vùng vẫy để tồn tại, phát triển hay là chết?
Vẫn còn quá sớm để trả lời cho câu hỏi này bởi hiện tượng ‘xé rào” tuyển sinh, lợi dụng kẽ hỡ trong quy chế và và vung chiêu ra “câu” thí sinh mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, giáo dục đại học Việt Nam đang bắt đầu xuất phát trên cuộc đua khốc liệt trong việc thu hút người học hay nói một cách khó chịu là bắt đầu xuất hiện hiện tượng “thương mại hóa” trong giáo dục.
Thực tế, nhiều trường nếu không làm vậy sẽ không thể nào tồn tại hay suốt đời chỉ ăn được những “mẩu bánh thừa” từ các Trường khác và các Trường lâu nay ung dung, điềm tĩnh “thưởng thức’ trong cái tâm lý ban bố thì giờ phải nhìn lại…
Đã cạnh tranh tất cần có thực lực, điều này lãnh đạo các trường tất biết, mà muốn có thực lực để thu hút người học tất nhiên các trường phải chú trọng đến đội ngũ giảng viên, chú trọng đến cơ sở vật chất và công tác quản lý nhằm xây dựng thương hiệu cho mình.
Điều này vô hình chung là một ‘cú hích” tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam vốn nặng cơ chế xin – cho, bao cấp và bệnh “tự sướng” trong đào tạo của các trường vốn tồn tại dai dẳng lâu nay trong đầu của những người làm công tác giáo dục, bao gồm cả đội ngũ đứng lớp và hành chính, giờ là lúc họ bừng tỉnh và tự hỏi: muốn tồn tại thì thay đổi hay là chết?
Bộ nên "thả diều"
Đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên từng bước thử nghiệm cho các trường ĐH- CĐ tự chủ trong tuyển sinh của mình, vấn đề là cấn có cơ chế quản lý để các trường không thể xảy ra bất cập.
Nói một cách dân gian, Bộ nên chơi trò “thả diều” với các trường, Bộ nắm dây thừng thì dù các trường có bay xa, bay cao đến đâu, bay hết tầm cũng không thoát khỏi tầm tay “người thả diều”.
Chứ nghĩ theo lối mòn hiện giờ thì các cuộc “nổi loạn” sẽ vẫn diễn ra, Bộ sẽ mất thời gian và tâm sức để “trấn áp” thay vì “thả dây” và ung dung ngồi thụ hưởng thú vui của người thả…
- Chánh Tâm