Lê Hoàng Uyên Vy |
ESP Captital (Early stage partner), là một quỹ chuyên đầu tư vào các startup công nghệ tại Việt Nam hiện nay. Điểm đặc biệt của quỹ đầu tư này là họ đầu tư vào startup ngay từ giai đoạn ban đầu thành lập công ty.
Đáng chú ý điều hành ESP Capital tại Việt Nam là một cô gái rất xinh đẹp và nổi tiếng trong giới startup công nghệ. Cô gái này nằm trong danh sách 30 gương mặt trẻ của Forbes U30 tại Việt Nam và châu Á, từng giữ vai trò giám đốc trang thương mại điện tử Adayroi của Vingroup, Lê Hoàng Uyên Vy.
Dưới sự điều hành của Lê Hoàng Uyên Vy, ESP Capital đã giúp cho nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã khởi đầu thành công, có thể kể đến như Wefit, Elsa, Lusxtay, Ecomobi, Uiza, Jobsgo và MindX. Ngoài ra, cô cũng đang đầu tư vào một startup liên quan đến công nghệ VR có tên gọi Xtreme Studio, trong đó có sản phẩm nổi tiếng là game thực tế ảo Top of Vietnam, chinh phục toà nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81 ra mắt vào tháng 5/2019 vừa qua.
Lê Hoàng Uyên Vy cho biết, sở dĩ cô và ESP Capital chọn đầu tư vào giai đoạn đầu của startup công nghệ bởi lúc này cô nhận thấy rằng, ở Việt Nam có tới 3000 – 4000 startup công nghệ cần huy động vốn ngay giai đoạn ban đầu, tuy nhiên lại có rất ít quỹ đầu tư hỗ trợ cho họ lúc này. Đa số các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng chọn giai đoạn A, B (giai đoạn công ty bắt đầu mở rộng và tăng trưởng nhanh).
Là những người khởi nghiệp từ những năm 2010, đã từng xây dựng công ty và rời khỏi khi nó thành công, Lê Hoàng Uyên Vy và những người sáng lập ra ESP Capital nhận thấy rằng họ có sứ mệnh giúp đỡ cho các startup thế hệ mới sau này. Mặc dù, theo cô, đây là giai đoạn theo cô rất rủi ro, khi startup mới hình thành từ ý tưởng, nói chung là vẫn còn mơ hồ. Tuy nhiên, cô và ESP Capital chấp nhận đồng hành cùng họ để góp phần tạo nên các startup công nghệ thành công cho Việt Nam.
Theo Lê Hoàng Uyên Vy, để startup công nghệ thành công trong thời gian hiện nay, điều đầu tiên họ phải kiên nhẫn và phải làm rất nhiều. Có thể làm sai và sai nhiều, nhưng từ cái sai nhiều đó sẽ rút ra được bài học và kinh nghiệm để chọn ra được con đường đi đúng. Bên cạnh đó, startup công nghệ cần nhìn vào bức tranh lớn, không nên giới hạn chỉ trong phạm vi Việt Nam, cần mở rộng ra thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước hết phải chinh phục được thị trường trong nước đã sau đó sẽ tiến ra thế giới.
Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam
|
Anh Nguyễn Mạnh Dũng |
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, hay giới startup công nghệ còn gọi là Shark Dũng khi anh đang ngồi trên ghế nóng chương trình Shark Tank, một chương trình truyền hình về khởi nghiệp.
Là người đại diện cho quỹ CyberAgent tại Việt Nam, anh đã kết nối và kêu gọi đầu tư cho rất nhiều startup công nghệ trong nước, anh được coi là “người đỡ đầu” cho các startup công nghệ thành công hiện nay như Tiki, Nhacuatui, Vicare, Jupviec, Vexere, CleverAds, Luxstay, Vatgia, Batdongsan, Bảo Kim, Foody…
Anh Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, CyberAgent là một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc một tập đoàn công nghệ của Nhật, cho nên ngay từ đầu họ ưu tiên đầu tư vào startup thuộc lĩnh vực công nghệ. Đến cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 họ quyết định mở rộng ra thị trường Đông Nam Á ngoài Nhật và Việt Nam là điểm đến đầu tiên của họ. Tại Việt Nam họ gặp anh và xem như đây là một cái duyên để anh bước vào lĩnh vực này.
Đến nay CyberAgent đã đầu tư khoảng 60 công ty tại thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm một nửa trong số đó. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, CyberAgent còn tư vấn chiến lược, cũng như sản phẩm, kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước…để giúp startup ngày càng phát triển hơn.
Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, ngay từ ban đầu khi tiến hành đi tìm kiếm và kết nối startup công nghệ để đầu tư anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lúc CyberAgent vào Việt Nam là đầu năm 2008, ngay sau đó là khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới lúc này chao đảo và Việt Nam cũng bị cuốn theo sự khủng hoảng đó. Lúc này các nhà đầu tư trên thế giới cũng tiến hành co cụm lại nên việc huy động vốn là rất khó khăn.
Anh Dũng nhớ lại, thị trường Việt Nam lúc đó rất bi đát, khi nói về khởi nghiệp hay quỹ đầu tư mạo hiểm nhiều người cũng không hiểu. Thực tế lúc đó nhiều người chưa đánh giá cao thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, nó vẫn còn rất mới, chưa được nhiều quan tâm. Anh đi huy động vốn đầu tư tại Việt Nam thì chưa có ai hay quỹ đầu tư nào làm việc này, trong khi đó đi huy động vốn nước ngoài lại gặp khó do khủng hoảng ở trên. Một điều nữa là các startup công nghệ lúc ấy cũng không hiểu việc anh và CyberAgent đang làm, thậm chí là nghi ngờ, bởi đang khủng hoảng kinh tế như thế tự nhiên có một người mang tiền về đầu tư vào công ty của mình.
Tuy nhiên, lúc đó anh nghĩ nếu không có ai làm và không làm bây giờ thì đợi đến bao giờ, nên đã quyết định đi hỗ trợ và đầu tư vào các startup công nghệ trong nước. Điều anh rất vui là đến năm 2013-2014 mọi thứ đã trở nên khởi sắc và đến năm 2017 các quỹ đầu tư công nghệ vào Việt Nam nhiều hơn và truyền thông cũng bắt đầu nói về khởi nghiệp nhiều hơn và tích cực hơn.
">