Việc đưa học sinh quay trở lại trường học đang là điều mong mỏi của rất nhiều bậc phụ huynh. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Bộ, ngành tích cực xem xét việc này.Chương trình ‘Góc nhìn thẳng’ của Báo VietNamNet có cuộc trao đổi trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Ngô Thị Minh.
Nhà báo Phạm Huyền:Câu chuyện đưa học sinh quay trở lại trường học chúng ta cũng đã có những tính toán và có những chỉ đạo rất rõ ràng. Vậy cho đến thời điểm này thì bà thấy là còn điều gì đáng lo ngại nhất?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Việc đưa học sinh trở lại trường là nhu cầu rất bức thiết trong điều kiện hiện nay. Điều đáng lo ngại thì không thể không có. Cũng có phụ huynh còn lo ngại điều kiện của cơ sở trường lớp của chúng ta như thế nào. Mỗi một cơ sở trường lớp chúng tôi cũng đã có sự chỉ đạo và đều có kế hoạch để đón học sinh trở lại trường. Như vậy, chúng tôi đã có sự phối hợp sâu với các UBND các tỉnh và đã có sự chỉ đạo một cách quyết liệt. Những nơi đủ điều kiện và nằm trong vùng kiểm soát được dịch bệnh (vùng 1, vùng 2 và được xác định dịch tới tưng phường/ xã), đã đủ điều kiện để đưa các em trở lại trường học.
Cụm từ 'đủ điều kiện' ở đây có nghĩa là chúng ta phải hành động để đảm bảo điều kiện học tập trực tiếp cho các em chứ không phải là chúng ta cứ nói 'không đảm bảo điều kiện' là chúng ta không đưa các em trở lại trường học trực tiếp.
Đây là trách nhiệm rất lớn của UBND các cấp và của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Nhà báo Phạm Huyền:Hiện nay, để chuẩn bị cho kế hoạch đưa các em trở lại trường, ở một số địa phương đang tổ chức các chương trình diễn tập. Bà có thể chia sẻ các thông tin cơ bản về chương trình diễn tập này?
Đây là vấn đề thuộc sự chỉ đạo của UBND các tỉnh và chỉ đạo xuống tận UBND cấp huyện, cấp xã và xuống đến các cơ sở giáo dục. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh. Việc chỉ đạo triển khai các các diễn tập mỗi địa phương sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng điều cơ bản là chúng ta cũng phải phun khử trùng khử khuẩn, phải xem điều kiện các em học tập như thế nào, thực hiện 5K ở trường ra sao, sự phối hợp với các đơn vị y tế ở đó, phương án xử lý khi có ca F0, sự phối hợp với gia đình các em khi xử lý tình huống… Đây là trách nhiệm của UBND các cấp, phải có sự chỉ đạo kiểm soát rất kỹ.
Nhà báo Phạm Huyền:Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương trong kế hoạch đưa học sinh quay trở lại trường học. Tuy nhiên vấn đề này đang thuộc thẩm quyền của các chủ tịch UBND tỉnh. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn trên cơ sở nào và có các giải pháp như thế nào?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chủ động trong ứng phó với dịch Covid-19. Khi có Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành ngày 11/10 thì ngay ngày 15/10, chúng tôi đã có văn bản số 4726 gửi cho tất cả UBND các tỉnh, thành phố. Trong văn đó, chúng tôi đã có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về việc đảm bảo các điều kiện để đưa học sinh trở lại trường học. Với riêng giáo dục mầm non, chúng tôi đã có văn bản số 5969 gửi cho Sở Giáo dục - Đào tạo của tất cả các tỉnh, thành, trong đó có các hướng dẫn rất chi tiết để các Sở Giáo dục - Đào tạo tham mưu cho UBND chỉ đạo đồng loạt các cơ sở giáo dục mầm non khi cho các em quay trở lại trường học.
Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh. Đặc biệt là chúng tôi phối hợp rất sâu với Bộ Y tế để chỉ đạo xuống tận cấp Sở, cấp phòng (Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Phòng Y tế). Chúng tôi đã cùng với Bộ Y tế tổ chức một hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 1000 điểm cầu ngay từ tháng 11/2021. Chúng tôi đã có hướng dẫn, đối thoại trực diện, có vướng mắc gì chúng tôi tháo gỡ. Như vậy để thấy được Bộ Giáo dục - Đào tạo đã mong mỏi như thế nào trong việc học sinh quay trở lại trường, vì một môi trường học đường thực sự an toàn.
Nhà báo Phạm Huyền:Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến như hiện nay thì theo bà đâu là thời điểm phù hợp nhất để các em có thể quay trở lại học trực tiếp ở trường học?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Chúng ta cũng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin với số lượng đủ lớn trong cộng đồng. Với tỉ lệ tiêm như hiện nay, tôi cho rằng đó là điều rất tốt. Thứ hai, chúng tôi thấy được nhận thức của cộng đồng về cụm từ “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh” đã khá tốt. Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền, truyền thông rất mạnh mẽ và quyết liệt. Các cấp, ngành đã hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của UBND tất cả các tỉnh, cấp huyện, cấp xã và trách nhiệm của các thầy các cô, các cán bộ quản lý giáo dục cũng như là trách nhiệm của phụ huynh cũng đã được xác đinh rõ ràng và nhận thức đầy đủ hơn.
Những nơi đã đảm bảo đủ điều kiện chúng ta cần cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Những nơi chưa đủ điều kiện thì cũng phải xem xét, quan tâm, đầu tư và xem tại sao chưa đảm bảo đủ điều kiện cho các em?. Chúng ta không có kế hoạch tốt nhất để cho các em trở lại trường thì lỗi thuộc về người lớn, cần thẳng thắn nhìn nhận xem đã triển khai các văn bản của Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ, ngành đã nghiêm túc chưa? Các cơ sở giáo dục có trực tiếp phối hợp với Sở Y tế, phối hợp với phụ huynh, phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo điều kiện cho em quay trở lại trường hay không? Người lớn chúng ta phải hành động tích cực hơn vì tương lai con em chúng ta. Chúng ta không thể nào cứ nói là 'chưa đủ điều kiện' nên chưa cho các em đi học. Đây là trách nhiệm của người lớn.
Tính toán cho trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin được đến trường
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa Bà, chúng ta đều biết là với các em học sinh trên 12 tuổi đã tiêm vắc xin thì có thể yên tâm phần nào. Vậy đối với các lứa tuổi nhỏ hơn là mầm non và tiểu học chưa được tiêm vắc xin thì việc quay trở lại trường học thì sẽ được tính toán như thế nào và sẽ có những khó khăn gì?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Tôi nghĩ rằng cũng có nhìn nhận cho rằng cứ phải tiêm vắc xin đủ hết tất cả các lứa tuổi thì chúng ta mới cho học sinh trở lại trường. Nhìn nhận đó có phần chưa được đầy đủ.
Chúng ta nhìn rộng ra các nước trong khu vực và thế giới, họ vẫn cho các em quay trở lại trường bình thường trong khi họ cũng chưa tiêm được đối tượng dưới 12 tuổi như chúng ta. Các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, những chuyên gia đã có khuyến cáo rất rõ ràng, cũng thấy được sức đề kháng của các em. Và chúng ta cũng phải tôn trọng các em, xem những cảm xúc và suy nghĩ, mong muốn của các em thế nào. Trong khi người lớn chúng ta thích ứng linh hoạt thì chúng ta cũng phải đặt chúng ta vào trẻ em, vào học sinh, sinh viên của mình, xem sự thích ứng linh hoạt của học sinh, của trẻ em dưới 12 tuổi như thế nào và nhìn nhận xem môi trường ở nhà có hơn được với môi trường học trực tiếp ở trường hay không. Hầu hết các em ở nhà quá dài, thấy rằng mình đang rất cô đơn, không được tiếp xúc với thầy cô và bạn bè... Rồi người lớn đi làm, để các em ở nhà, không có điều kiện học tập… mà chúng ta chỉ tính và mong phương án một chiều cho các em như thế thì tôi nghĩ rằng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Nhìn rộng ra thì chúng ta không thể chỉ quan tâm đến việc tiêm mà ở đây chúng ta còn phải nghiên cứu theo lứa tuổi, sự phát triển toàn diện của các em, những cảm xúc mong muốn theo lứa tuổi của các em cùng những điều kiện xung quanh. Thầy cô đã tiêm rồi, bố mẹ, gia đình, người lớn đã tiêm vắc xin rồi thì chúng ta ở nhà hay ở trường, chúng ta phải chọn lựa điều kiện an toàn nhất, để đảm bảo quyền học tập cho các em, quyền được phát triển toàn diện mà trong luật cũng đã có quy định.
Tình hình dịch bệnh không phải ngày một ngày hai mà còn diễn biến phức tạp, cả thế giới chứ không riêng gì đất nước mình. Đây là một thông điệp, rất mong các phụ huynh thầy cô, cộng đồng, chúng ta cùng vì sự phát triển toàn diện của con trẻ, chúng ta tính toán phương án cho các em, kể cả lứa tuổi mầm non, các em dưới 12 tuổi… cũng cần phải để cho các em đến trường và tạo cho các em môi trường cho các em để thích ứng linh hoạt, an toàn, đảm bảo phòng dịch Covid-19 tốt nhất.
'Bộ Giáo dục - Đào tạo rất chủ động'
Nhà báo Phạm Huyền:Cách đây khoảng 1 năm, dịch bệnh cũng diễn biến rất phức tạp. Bộ GD-ĐT dường như cũng lấn cấn trong việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Tuy nhiên, thời điểm này khi mà tình hình dịch bệnh cũng tiềm ẩn những nguy cơ, mà những con số cũng chưa giảm như chúng ta mong muốn, nhưng Bộ GD-ĐT có động thái rất mạnh mẽ, niềm tin trong việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Bà có thể lý giải về sự thay đổi trong quan điểm của Bộ Giáo dục – Đào tạo?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Thực ra về phía Bộ Giáo dục – Đào tạo, chúng tôi luôn chủ động và mong muốn cho các em quay trở lại trường từ rất sớm. Rất sớm ở đây là khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng – an toàn – kiểm soát hiệu quả. Ngay khi có Nghị quyết này ngày 11/10 thì ngay ngày 15/10, chúng tôi đã có công văn số 4726 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Chúng tôi nghĩ rằng mình không thể làm thay UBD các tỉnh mà cần có sự phối hợp chặt chẽ.
Và nhận thức là cả một quá trình. Phụ huynh cũng lo lắng khi chuyển trạng thái. Khi chuyển trạng thái trong từng giai đoạn thì chúng tôi cũng phải tính các giải pháp để các em được học trực tuyến. Khi học trực tuyến thì chúng tôi cũng phải cùng Bộ Thông tin - Truyền thông để phối hợp, để tham mưu cho Chính phủ. Chương trình Sóng và máy tính cho em cũng là một sự chủ động của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Thông tin - Truyền thông. Hiện nay, về công nghệ thông tin, chúng tôi đã áp dụng rất sâu chuyển đổi số. Chúng tôi quản lý toàn bộ, cập nhật số liệu tiêm vắc-xin của các em hàng ngày hàng giờ, cập nhật các thầy cô, các em diện F0, F1 và chúng tôi có số liệu ngay và luôn với từng trường hợp, kể cả số học sinh, số cơ sở giáo dục đang học trực tiếp, học trực tuyến; số đã đăng kí cho học sinh quay trở lại trường từ ngày 7/2... Việc số hóa này đã giúp chúng tôi trong việc cập nhật thông tin và điều hành các hoạt động của toàn ngành rất là chủ động chứ không thể nói là không chủ động như một số nhận định thiếu căn cứ.
Về việc các em đến trường thì chúng tôi thấy nhận thức xã hội đã có sự chuyển biến, có sự thay đổi, có sự đồng thuận ngày càng cao hơn. Đến giờ phút này chúng tôi đã thấy được sự thay đổi này đang tiến triển theo chiều hướng tích cực và nhận thức cũng cần có thời gian, có truyền thông, có lộ trình nhất định. Được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, chúng tôi nghĩ rằng thẩm quyền thì vẫn là của Chủ tịch UBND các tỉnh chứ chúng tôi không lấn sân nhưng chúng tôi cũng lên tiếng tiếp tục mạnh mẽ hơn chứ không phải trước đây là không lên tiếng. Nhưng mà khi chưa có được nhận thức đồng thuận của xã hội thì chưa đi được đến đích nhanh như mong muốn.
Đến giờ phút này đã hội tụ được rất nhiều yếu tố nên chúng tôi nghĩ rằng cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, trong đó thì đã có cách làm hiệu quả bước đầu của TP Hồ Chí Minh và Bắc Giang. Chúng tôi thấy đấy cũng là một niềm tin mạnh mẽ và góc nhìn của Bộ ngày càng trở lên hợp lý hơn hơn, là cơ sở để chúng tôi lên tiếng mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện của trẻ em, học sinh, sinh viên, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình dịch bệnh.
Mong xã hội hiểu hi sinh thầm lặng của thầy cô giáo
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa bà, tới đây khi các trường học mở cửa đón các em trở lại thì vai trò của học online sẽ được đánh giá ở mức độ nào?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Khi mở cửa trở lại cho các em đến trường, như tôi đã nói, ở công văn số 4726, chúng tôi và ngành y tế đã xác định những xã phường mà dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho các em học trực tiếp. Còn ở những nơi cấp độ 3, cấp độ 4, thì chúng ta vẫn tính toán việc học trực tuyến kết hợp với việc học qua truyền hình, thích ứng với từng cơ sở giáo dục, từng địa bàn dân cư. Những gia đình mà chưa cho con em đến trường được vì nhiều lí do khác nhau, có thể các em hoặc gia đình có người là F0, F1 thì các thầy cô cũng chấp nhận để cho các em học trực tuyến. Chúng ta vẫn phải tôn trọng các gia đình mà họ chưa thể hoặc chưa muốn cho các em đến trường vì nhiều lý do bất khả kháng.
Nhà báo Phạm Huyền:Tới đây các giáo viên vừa giảng dạy trực tiếp nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy online. Bà có thể nói gì về những áp lực mà đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo đang phải trải qua?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh:Ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 đã tác động sâu sắc đến ngành Giáo dục - Đào tạo. Chúng tôi rất chia sẻ với các thầy cô và các cán bộ giáo dục bởi vì khi chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến, các thầy cô cũng đã phải rất vất vả. Rồi các thầy cô phải dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo giãn cách khi học trực tiếp thì các thầy cô phải làm việc với công suất cao hơn trước rất nhiều. Lớp đông thì có khi phải chia đôi, chia ba, có khi ngày này học trực tiếp, ngày sau học trực tuyến, dạy tối dạy trưa… Các thầy cô làm việc gấp ba gấp bốn thời gian làm việc của mình, còn phải kèm con em của mình học tập khi mình cũng là phụ huynh nữa.
Chúng tôi thấy, về chính sách thì các thầy cô chưa dám đòi hỏi gì, cơ bản là chia sẻ với Nhà nước, với phụ huynh học sinh, nhưng các thầy cô cũng mong rằng xã hội sẽ hiểu được những hy sinh thầm lặng này. Và Nhà nước cũng phải cần có những góc nhìn, cách đánh giá đúng về sự đóng góp của thầy cô. Đến một lúc nào đó nếu có thể có chính sách được thì chúng tôi sẽ trực tiếp đề nghị.
Xin cảm ơn sự chia sẻ rất thẳng thắn và những thông tin hết sức sâu sắc của Bà.
Ban Giáo dục
MC: Phạm Huyền
Quay hình: Xuân Minh - Huy Phúc
Hậu kỳ: Huy Phúc
">