TS Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Thúy Hạnh
“Mục tiêu mong muốn của chúng ta là đến năm 2025, chi tiền túi từ hộ gia đình giảm xuống còn dưới 35% và đến năm 2030 còn dưới 30%. Tuy nhiên đây là thách thức rất lớn, vài năm vừa qua chưa có thay đổi nhiều”, ông Khảm nói.
Theo ông Khảm, để giảm chi tiền túi người dân phải tăng mức đóng để mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh.
Tăng mức đóng có thể từ nguồn nhà nước hỗ trợ, nguồn thu nhập doanh nghiệp và từ tiền lương của người dân. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước… cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình (mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở).
Đặc biệt, khi tăng mức đóng phải kiểm soát chi tiêu hiệu quả tại các bệnh viện. Hiện nay, BHYT đang chi trả theo phí dịch vụ, bệnh nhân dùng dịch vụ nào trả dịch vụ đó.
Theo ông Khảm, phương thức này luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí do các cơ sở y tế luôn cố gắng cung cấp thật nhiều dịch vụ để lấy tiền BHYT.
Do đó, từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ bắt đầu áp dụng phương thức chi trả theo chẩn đoán với bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh. Khi đó bác sĩ sẽ cân đối chỉ định để sử dụng dịch vụ hợp lý nhất, tiết kiệm chi tiêu…
Vừa qua, mô hình này đã được Bộ Y tế thí điểm tại Quảng Ninh, Yên Bái, Cần Thơ… cho hiệu quả rất tốt.
“Chúng tôi đã ấp ủ phương thức chi trả mới hơn 10 năm qua. Điều quan trọng nhất là vấn đề kỹ thuật, phải tính toán giá sát thực tế với hơn 10.000 dịch vụ, không được cao quá gây lãng phí nhưng không được thấp quá để bệnh viện đảm bảo đủ điều kiện hoạt động”, ông Khảm thông tin.
“Quỹ BHYT tiền ít nhưng tiêu hoang”
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, chuyên gia tài chính y tế của WHO phân tích, chi tiêu y tế từ tiền túi người dân Việt Nam cao do nhiều lý do, song quan trọng nhất cần xem lại việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế đã hợp lý chưa, mọi xét nghiệm được chỉ định có cần thiết không, ngày nằm viện có bị kéo dài quá không, bệnh nhân có bị cho nhiều thuốc hơn thực tế bệnh không?...
“Cách đây 10 năm, mức bao phủ BHYT của Việt Nam chỉ 50% và mức chi tiền túi khoảng 49% nhưng hiện nay mức bao phủ đã đến 91%, đáng ra chi tiền túi của người dân phải giảm nhiều nhưng thực tế đang giảm rất chậm, thậm chí năm qua đã tăng nhẹ lên gần 45%”, bà Phương nêu vấn đề.
Bà Phương cho rằng, quỹ BHYT của Việt Nam đang sử dụng chưa hợp lý, có tình trạng “tiền ít nhưng tiêu hoang”. Việc xem xét tăng mức phí cũng là một giải pháp nhưng nếu tăng mức đóng nhưng không sử dụng dịch vụ hợp lý thì không có ý nghĩa.
“Trước đây chi phí tiền thuốc chiếm đến 65%, giờ vẫn còn 37%, rồi tiền chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, nhiều bệnh đáng ra chỉ nằm viện 1-2 ngày nhưng giờ giữ lại 5-7 ngày. Đó là những chi phí khám chữa bệnh không cần thiết”, bà Phương phân tích.
Chuyên gia của WHO cũng chỉ rõ bất cập, hiện rất nhiều người dân có bệnh thông thường nhưng cũng đến các bệnh viện lớn khám chữa bệnh, điều này vô hình làm tăng chi phí y tế.
“Chúng ta không thể đổ lỗi do người dân thích dồn lên tuyến trên, mà vì thực tế nhiều thuốc thiết yếu ở tuyến dưới không đủ, nhưng khi điều trị ở tuyến trên thì luôn có sẵn nên người dân vượt tuyến”, bà Phương chỉ rõ.
Trung bình mỗi năm, quỹ BHYT của Việt Nam đang chi khoảng 100.000 - 120.000 tỷ đồng cho chi phí khám chữa bệnh. Bốn năm qua, mức thu đang thấp hơn mức chi, nhà nước phải dùng đến quỹ dự phòng để duy trì hoạt động. Hiện tại, số tiền trong quỹ dự phòng chỉ còn khoảng 35.000 tỷ đồng.
BHYT sẽ chi trả khám sàng lọc ung thưÔng Khảm cho biết, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, trong đó đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số chương trình khám sàng lọc như bệnh tiểu đường, một số ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và một số ung thư nếu can thiệp sớm cho hiệu quả cao.
Dự kiến, ngay năm 2021, Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.">