Động lực bứt phá cho giới nghiên cứu Việt NamTrong buổi giao lưu với Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture sáng 18/1, PGS. TS Nguyễn Ái Việt (Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Đại Nam), cho biết, là người làm nghiên cứu lâu năm tại Mỹ, ông nhận thấy tại Việt Nam, do chưa có hệ sinh thái hỗ trợ như ở các quốc gia khác nên rất khó có điều kiện kết nối, hợp tác giữa các nhà khoa học cùng quan tâm trong và ngoài nước
Đồng cảm với khó khăn này, GS. Sir. Richard Henry Friend, Đại học Cambridge (Anh), chủ nhân Giải thưởng Millennium Technology 2010, cho rằng, hợp tác là một yếu tố tất yếu và rất quan trọng trong khoa học. Sự hợp tác không chỉ dừng lại ở một trường đại học mà còn là hợp tác trên toàn cầu. Bởi thế, sự ra đời của một giải thưởng thường niên như VinFuture càng có ý nghĩa khi tạo ra một mạng lưới kết nối toàn cầu giữa các nhà khoa học.
“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để khuyến khích sự hợp tác ở những quy mô nhỏ nhất giữa các nhà nghiên cứu trên toàn cầu”, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng nhấn mạnh về sứ mệnh kết nối của VinFuture.
|
Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo quy tụ những nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới |
Chung quan điểm, PGS. TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tin tưởng VinFuture sẽ tạo hiệu ứng nhiều chiều. Mới qua mùa giải đầu tiên, nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới đã biết đến Việt Nam. Giới khoa học trong nước cũng đã có cơ hội tiếp cận với khoa học hàn lâm đỉnh cao qua việc chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu với các trí tuệ xuất chúng nhất toàn cầu.
Tuần lễ khoa học VinFuture là dịp để người Việt nắm bắt được những xu thế tương lai trong những lĩnh vực thời sự và giàu tiềm năng nhất như Năng lượng, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học sức khỏe… đồng thời tìm thấy cơ hội để hòa mình vào dòng chảy đó của khoa học đỉnh cao. Bên cạnh đó, những câu chuyện về hành trình nghiên cứu gian nan nhưng cũng đầy vinh quang của chính các chủ nhân giải thưởng quốc tế danh giá sẽ tạo động lực để các nhà nghiên cứu Việt Nam bứt phá.
Theo các chuyên gia, việc VinFuture tổ chức hàng năm tại Việt Nam là một cơ hội hiếm có cho nền khoa học Việt. Đây sẽ là chất xúc tác đặc biệt góp phần thúc đẩy nền khoa học hàn lâm của Việt Nam - một lĩnh vực nền tảng rất quan trọng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng đang khá nhạt nhòa ở nước ta do nhiều nguyên nhân.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, Việt Nam không thiếu những con người tài năng nhưng do nhiều điều kiện như nguồn lực đầu tư, cách phát triển khoa học, nhìn nhận của xã hội, thiếu mạng lưới hợp tác quốc tế… nên chưa có nhiều công trình tầm cỡ.
“Tôi tin rằng Giải thưởng VinFuture sẽ tạo ra một cú hích giúp thay đổi nhận thức để tất cả cùng thấy nhà khoa học được tôn vinh một cách xứng đáng ra sao và khoa học có thể đóng góp như thế nào tới thế giới. Đồng thời, VinFuture cũng là nơi để chính các nhà khoa học Việt được truyền cảm hứng, để phấn đấu để thực sự làm nên những công trình xứng đáng”, PGS. Chu Hoàng Hà khẳng định.
Thay đổi vị thế quốc tế của Việt Nam
Từ một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng lâu nay Việt Nam đã quen với vị thế của một bên chuyên nhận hỗ trợ, từ trong chiến tranh đến khi xây dựng, phát triển đất nước hay lúc thiên tai, dịch bệnh…
Sự ra đời của một giải thưởng như VinFuture đã góp phần thay đổi vị thế quốc tế của Việt Nam. Thay vì chỉ biết nhận, giờ đây, Việt Nam đã ngày một chủ động tham gia vào việc giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu. Sự chung tay đó vừa tạo động lực cho chính Việt Nam vượt lên vững chắc hơn, vừa góp phần cải thiện hình ảnh và gia tăng vị thế quốc gia.
“Ý tưởng hình thành Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture để đóng góp cho thế giới là một ý tưởng tuyệt vời. Dù đây là giải thưởng do cá nhân khởi xướng nhưng chắc chắn sẽ làm thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam. VinFuture sẽ được thế giới đón nhận như một giải thưởng của Việt Nam, cho thấy ý thức và trách nhiệm tăng lên của người Việt, sẵn sàng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề chung của nhân loại”, vị chuyên gia kì cựu nhìn nhận.
Tuy Việt Nam lâu nay vẫn hỗ trợ cho các nước trong thiên tai, dịch bệnh nhưng đó mới dừng lại ở việc hỗ trợ đột xuất, trong những hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, VinFuture là sự cam kết đóng góp mang tính chất dài hạn, đặc biệt, lại hướng về tương lai. Hỗ trợ ngắn hạn, tại chỗ là điều nhiều người có thể tham gia. Nhưng biết nhìn xa, dám làm lớn cho tương lai xa hơn lại là việc khó, vượt khỏi suy nghĩ thông thường và rất ít người làm được.
“VinFuture đã tiên phong mở đường để trở thành một hướng đi mới của Việt Nam. Suy cho cùng, giải quyết các vấn đề của thế giới cũng chính là giải quyết các vấn đề của Việt Nam bởi thế giới ngày nay là một thế giới kết nối”, nữ chuyên gia phân tích.
|
Lễ trao giải VinFuture lần thứ I đã gây tiếng vang lớn cả trong nước và quốc tế với sự tôn vinh xứng đáng cho các nhà khoa học kiệt xuất của thế giới |
Các chuyên gia cũng cho rằng, một giải thưởng quốc tế thường niên như VinFuture sẽ đưa Việt Nam trở thành tâm điểm khoa học, công nghệ mới của thế giới, nơi quy tụ những trí tuệ kiệt xuất, những nghiên cứu đỉnh cao của thời đại. Nhờ đó, từ một “điểm mờ”, cái tên Việt Nam sẽ được định vị rõ nét hơn và tỏa sáng hơn trên bản đồ khoa học, công nghệ toàn cầu. Mỗi năm, thế giới đều hướng về Việt Nam để chờ đợi và tôn vinh những công trình xuất chúng nhất, góp phần thay đổi cuộc sống nhân loại. Không những thế, VinFuture còn chắp cánh cho các nghiên cứu tìm kiếm những lời giải mới, hướng đi mới vì một cuộc sống ngày càng ổn định hơn, an toàn hơn và tốt đẹp hơn cho mọi người.
“Như cách đây 10 năm, ít ai nghĩ tới AI mà bây giờ AI lại trở thành một lĩnh vực được quan tâm hàng đầu thế giới. Luôn có những cái mới xuất hiện, những cái mới đó cần động lực cổ vũ, như Giải thưởng VinFuture, để phát triển. VinFuture chính là sự đóng góp chủ động và thiết thực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề chung của nhân loại”, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá.
Thế Định
">