Giải pháp bền vững và lĩnh vực sức khỏe được quan tâm đặc biệt
GS. Marina Freitag - giáo sư về năng lượng và là thành viên của Hội nghiên cứu Hoàng gia tại Đại học Newcastle (Anh) chỉ ra rằng,êngiaquốctếdựđoánlĩnhvựclênngôitạtra lịch âm lĩnh vực năng lượng bền vững, vật liệu tiên tiến và trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực cần được quan tâm đặc biệt.
“Sự giao thoa giữa các lĩnh vực này đặc biệt quan trọng”, bà nhấn mạnh và đánh giá cao những đổi mới có khả năng thích ứng với các môi trường và quốc gia khác nhau.
Nhiều nghiên cứu hiện nay thường tập trung vào các giải pháp giải quyết đa thách thức. Nghiên cứu của chính GS. Freitag tập trung vào vật liệu quang điện thông minh có thể thích ứng với điều kiện ánh sáng thay đổi theo thời gian thực.
Bà bật mí rằng đã đề cử một nghiên cứu cũng trùng với hướng theo đuổi của bản thân ở lĩnh vực vật liệu cho năng lượng bền vững. Đặc biệt, GS. Freitag nhấn mạnh vai trò quan trọng của vật liệu một chiều và hai chiều, cùng polymer phối trí trong các ứng dụng năng lượng. Những vật liệu này, theo đánh giá của bà, mang lại hiệu suất chưa từng có và có thể “thay đổi hoàn toàn mọi thứ từ thiết bị điện tử nhỏ đến việc cung cấp năng lượng cho toàn bộ quốc gia”. Đây là xu hướng phát triển các giải pháp năng lượng đa chức năng, có khả năng thích ứng tốt với các môi trường và điều kiện khác nhau.
Trong khi đó, GS. Valery Feigin - Giám đốc Viện nghiên cứu Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), rất quan tâm những phát triển đột phá trong y học và y tế công cộng. Cho nên đề cử của ông tập trung vào phát kiến có khả năng biến đổi đáng kể về công tác xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe và phân bổ nguồn lực ở quy mô toàn cầu.
Với những thách thức sức khỏe toàn cầu hiện tại, GS. Feigin cho rằng y học có thể là một ứng cử viên mạnh cho Giải thưởng VinFuture. Ông cho biết dự án mà mình đã đề cử có thể giúp các nhà hoạch định chính sách y tế nâng cao hiệu quả công việc, tận dụng tối đa những thông tin y khoa dựa trên thực chứng, để cải thiện việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và thiết lập danh mục ưu tiên cho hệ thống y tế toàn cầu.
“Công trình này đang được sử dụng bởi nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế thế giới WHO, Liên hợp quốc, và nhiều tổ chức cấp quốc gia khác”, ông tiết lộ về tính ứng dụng rộng rãi của công trình mà mình đề cử.
VinFuture - Chất xúc tác cho việc giải quyết các thách thức toàn cầu
Theo các nhà khoa học này, Giải thưởng VinFuture đặc biệt vì tôn vinh những phát kiến có thể cải thiện cuộc sống của nhân loại. Họ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn những đổi mới thể hiện rõ khả năng ứng dụng thực tế.
“Chìa khóa không nằm ở một giải pháp chung chung, mà nằm ở khả năng thích ứng với muôn hình vạn trạng của mỗi môi trường và từng quốc gia”, GS. Freitag khẳng định.
Bên cạnh tính mới và sự đột phá, GS. Feigin đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí ứng dụng vào thực tiễn của công trình được đề cử, cũng như những tác động và đổi mới sẽ được tạo ra nhờ công trình này, “dù là trong lĩnh vực y học, vật lý, hay bất kỳ lĩnh vực khoa học ứng dụng và cơ bản nào”.
Việc nhấn mạnh khả năng thích ứng, khả năng mở rộng quy mô và triển khai thực tế cho thấy các nhà khoa học kỳ vọng những công trình đoạt giải không chỉ thúc đẩy hiểu biết khoa học mà còn đưa ra giải pháp tức thời cho những thách thức cấp bách toàn cầu.
Hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các lĩnh vực khác nhau đang nổi lên như một xu hướng đặc biệt đầy hứa hẹn. GS. Freitag xác định sự liên kết của AI và khoa học vật liệu là “hướng đi thú vị nhất hiện nay”, với tiềm năng đẩy nhanh quá trình khám phá và triển khai các giải pháp bền vững. Sự kết hợp này có thể là chìa khóa để tạo ra những đột phá trong việc phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường và hiệu quả về mặt năng lượng. Điều này hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của VinFuture trong việc công nhận những đổi mới giải quyết các thách thức thực tế.
Đối với vị chuyên gia, tác động của giải thưởng VinFuture đã vượt ra ngoài khuôn khổ công nhận thành tựu khoa học, mà đây là nơi tập hợp các quan điểm và cách tiếp cận đa dạng, có vai trò như chất xúc tác cho việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
“Hợp tác quốc tế là then chốt để giải quyết các thách thức toàn cầu, và tôi tin rằng hợp tác là cách duy nhất để đẩy nhanh tiến bộ khoa học”, GS. Freitag nhận xét.