Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm.
Chị Nguyễn Thị Nhinh (Ảnh: Ban tổ chức).
Chia sẻ tại chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype tiêu biểu năm 2024, do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức sáng 23/11, chị Nhinh cho biết, mình vẫn nhớ như in những lần lên đường góp sức cứu người sau khi nhận cuộc gọi từ viện.
"Một lần tôi đang học trên giảng đường thì nhận được cuộc gọi của viện cần nhóm máu của mình cho ca bệnh rất gấp. Ngay sau khi học xong là 12h tôi tức tốc lên đường.
Một lần khác là hiến máu cho một sản phụ cần 10 đơn vị máu để cứu em bé. Xuyên suốt thời gian đồng hành cùng thai phụ này, càng cảm nhận rõ sự lo lắng của gia đình, tôi lại càng ý thức được trách nhiệm của mình", chị Nhinh nói.
Lại có lần chính anh trai của một bạn trong hội máu hiếm bị tai nạn rất nặng cần truyền máu. May mắn là chị Nhinh kịp vào Bệnh viện Bạch Mai để chia sẻ nguồn máu của mình, giúp anh vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Là người mang dòng máu hiếm, cô gái này cho biết, mình luôn ý thức rằng, phải giữ sức khỏe cho bản thân, vì mình có trách nhiệm cứu giúp các bệnh nhân cần máu hiếm.
Cũng như Nhinh, Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) biết mình có nhóm máu hiếm từ một lần đi hiến máu. Là một cô gái nhỏ nhắn, nhưng Ánh Ngọc đã có 16 lần hiến máu nhóm hiếm và luôn sẵn sàng đi hiến máu mỗi khi được gọi.
Chương trình có sự tham dự của 300 người hiến máu tiêu biểu trong năm 2024 (Ảnh: Minh Nhật).
Ánh Ngọc vẫn nhớ lần đầu tiên được gọi đến hiến máu cho người bệnh có nhóm máu hiếm, đó cũng là lần đầu Ngọc cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình đang làm.
"Năm 2022, khi tôi đang làm việc thì nhận được cuộc gọi của viện nhờ mình đến hiến máu.
Lúc đó tôi thấy khá hoang mang vì không nghĩ là nhóm máu của mình lại hiếm đến thế. Lo lắng cho người bệnh nên tôi đã sắp xếp công việc để đi hiến máu ngay, chứ không chờ đến hết giờ làm.
Trên đường đi tôi đánh trống ngực liên hồi, lúc đó nghĩ rằng chỉ sợ mình đến chậm thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm.
Sau này mình quen với việc đi hiến máu hơn thì cũng bình tĩnh hơn khi được gọi, nhưng lần đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ", Ánh Ngọc chia sẻ.
Những người trẻ có nhóm máu hiếm như Nhinh và Ngọc luôn ở trong tư thế sẵn sàng, bất cứ khi nào có cuộc gọi từ viện, họ đều sắp xếp để có thể đến hiến máu sớm nhất.
Mỗi khi biết được thông tin có người bệnh cần máu, họ lại nhiệt tình như thể đi hiến máu cho chính người nhà của mình. Dù chưa một lần được gặp mặt người đã nhận máu, nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc khi biết dòng máu của mình đã cứu sống những cuộc đời khác.
Thách thức truyền máu cấp cứu từ sự đa dạng nhóm máu
Theo PGS.TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia, tính đến tháng 10, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 47 hệ nhóm máu hồng cầu với 366 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Trong đó, hệ nhóm máu ABO và hệ nhóm máu Rh là quan trọng nhất trong thực hành truyền máu.
PGS.TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia (Ảnh: Ban tổ chức).
Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó.
Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.
Ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác, mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường).
Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao.
Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Ảnh: Minh Nhật).
Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, hiện trung tâm quản lý, điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân thalassemia. Đây là những người cần truyền máu suốt đời nên vấn đề hòa hợp nhóm máu lại đặc biệt quan trọng.
"Bệnh nhân truyền máu không hòa hợp, nếu nặng có thể xảy ra phản ứng ngay trong lúc truyền dẫn đến sốc, thậm chí là tử vong. Cũng có trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng vài ngày sau khi truyền như sốt rét, đơn vị máu truyền vào bị tan hết", TS Hà chia sẻ.
Đến nay, 30% người bệnh thalassemia tại trung tâm đã được truyền máu hòa hợp phenotype. Việc được truyền máu hòa hợp phenotype giúp người bệnh hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận.
"Sự đa dạng của các kháng nguyên nhóm máu là thách thức vô cùng lớn đối với ngành y tế, đặc biệt là lĩnh vực truyền máu trong cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm và cần truyền máu hòa hợp phenotype. Trong khi đó, chi phí để làm xét nghiệm đầy đủ các kháng nguyên nhóm máu khá tốn kém", PGS Quế nhấn mạnh.
Theo ông Quế, nhiều năm nay, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình, dự án, viện đã tiến hành xét nghiệm, xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên.
Danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm hay người hiến máu hòa hợp phenotype (đã được xác định một số kháng nguyên nhóm máu) đều được lưu trữ trên phần mềm của viện. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần, viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách để kịp thời kêu gọi hiến máu, điều trị cho người bệnh.
Năm nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 240 đơn vị máu nhóm hiếm và 2.458 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị.
Với sự hỗ trợ của người hiến máu, đa số các dự trù đều đã được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, việc huy động một số nhóm vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức của người hiến máu, nguồn người hiến máu chưa đầy đủ.
PGS Quế cũng bày tỏ sự cảm kích với tinh thần trách nhiệm của những người mang máu hiếm với cộng đồng.
"Nhiều trường hợp mang máu hiếm khi nghe viện gọi điện cần máu của mình để cứu chữa bệnh nhân, liền gác công việc để đi hiến máu. Tôi biết có nhiều anh chị mang máu hiếm đã đi xe từ Nam Định, thậm chí là Lạng Sơn xuống Hà Nội để cấp cứu người cần máu hiếm", PGS Quế chia sẻ.
Tại chương trình cũng diễn ra lễ trao tặng giấy khen tri ân những người hiến máu nhóm máu hiếm và máu hòa hợp tiêu biểu (Ảnh: Ban tổ chức).
Cũng theo PGS Quế, nếu có nhóm máu hiếm, nhóm máu phenotype, người dân không nên hiến máu định kỳ, mà hãy hiến khi được gọi, đúng cho bệnh nhân cần máu của mình.
"Những thông tin về nhóm máu hòa hợp phenotype còn khá hạn chế, nhận thức của người hiến máu về vấn đề này chưa được nâng cao, nhiều người hiến máu có kiểu hình phù hợp với bệnh nhân nhưng lại chưa ý thức được.
Hay đôi khi do chờ đợi lâu mà chưa được gọi, có người lại chủ động đi hiến máu, trong khi một vài tuần sau lại có bệnh nhân cần đúng máu phenotype đó, dẫn đến việc đáp ứng máu cho người bệnh khó khăn", PGS Quế nhấn mạnh.
">