Toàn cảnh buổi làm việc TS. Nguyễn Duy Việt - Trưởng Ban Đầu tư Tập đoàn công nghệ CMC cho biết, Tập đoàn CMC có kế hoạch phát triển trong lĩnh vực gia công thiết kế vi mạch trong thời gian tới. Vì vậy, Trường Đại học CMC sẽ có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Tập đoàn CMC nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC khẳng định, trường đã có nhiều hoạt động đầu tư chuẩn bị cho việc mở ngành đào tạo Thiết kế vi mạch trong năm tới.
"Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi phải thực hiện từng bước một bằng cách: xây dựng chương trình đào tạo, bài giảng, phòng lab thực hành, đầu tư giáo dục và đào tạo giảng viên, các khóa học ngắn hạn và dài hạn, cấp chứng chỉ liên quan, tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao năng lực", ông Bình cho hay.
Ông Hồ Như Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học CMC cũng cho biết, Trường Đại học CMC và Synopsys sẽ hợp tác đào tạo chuyển đổi và nâng cao (reskill và upskill) từ 2-6 tháng nhằm cung cấp nhân lực theo chuẩn quốc tế cho ngành thiết kế vi mạch.
"Sinh viên năm cuối, mới tốt nghiệp các ngành điện - điện tử, kỹ thuật máy tính, điện tử - viễn thông, vật lý ứng dụng, công nghệ thông tin, khoa học máy tính… sẽ có cơ hội học thiết kế vi mạch với công cụ và quy trình thiết kế theo chuẩn toàn cầu của Synopsys để làm việc tại các doanh nghiệp thiết kế vi mạch ở trong và ngoài nước vốn đang khát nhân lực và sẵn sàng trả lương cao để thu hút nhân sự", ông Hải cho biết.
Buổi làm việc mở ra cơ hội hợp tác giữa Trường Đại học CMC, Tập đoàn CMC và Tập đoàn Synopsys trong tương lai Ông Robert Li - Phó chủ tịch Synopsys, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Đài Loan (Trung Quốc) nhận định, Trường Đại học CMC đã đi đúng hướng trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo thiết kế vi mạch. Tuy nhiên một trong những thách thức lớn của sinh viên ngành học này tại Việt Nam là bên cạnh việc đạt được kiến thức, sinh viên cần thực hành tại phòng thí nghiệm để tiếp thu kỹ năng và thực hành quang khắc chip, từ đó có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Ông Robert Li cũng cho biết thêm, tại Đài Loan (Trung Quốc), các sinh viên được tham gia vào quá trình sản xuất chip tại các phòng thí nghiệm, trong đó có một phòng thí nghiệm quốc gia kết nối các nhà máy sản xuất chip với các giáo sư, sinh viên ngành Thiết kế vi mạch. Việt Nam có thể hợp tác với Viện Khởi nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), các trường đại học và giáo sư để tham gia vào quá trình này.
Lãnh đạo Trường Đại học CMC cùng các đại diện của Tập đoàn công nghệ Synopsys Trước đó vào ngày 15/10, tại lễ khai giảng năm học 2023-2024, Trường Đại học CMC và Synopsys cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên quan tới chương trình đào tạo. Theo đó, Synopsys sẽ cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế chuẩn công nghiệp của Synopsys.
Ngoài ra, đại diện Synopsys cũng cho biết sẽ kết nối Trường Đại học CMC hợp tác với các viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp về thiết kế vi mạch lớn trên thế giới.
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học CMC và Synopsys Tập đoàn Synopsys, thành lập năm 1986, là một trong số ít các doanh nghiệp đến từ Mỹ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu về phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hay phần mềm thiết kế chip; cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn.
Năm 2022, Synopsys có 19.000 nhân viên và đạt doanh thu 5,08 tỷ USD. Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của Synopsys.
Synopsys Việt Nam đã mở rộng bốn văn phòng tại TP.HCM và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư có năng lực.
Thúy Ngà
">