LTS: Dịp lễ tết,Đừngđểcơnsaylàmchủcuộcđờibạkqbd phap thói quen gặp nhau, mời nhau một ly bia chén rượu chúc tụng đầu xuân đã trở thành một nét văn hóa quen thuộc. Thế nhưng, từ việc uống vui cho đến uống quá chén và lái xe trong tình trạng say xỉn đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Một nghiên cứu của tổ chức WHO và một số tổ chức độc lập tại Việt Nam đối với 14 bệnh viện cho thấy có tới 36% tỷ lệ nhập viện do tai nạn giao thông là liên quan tới bia rượu. Con số này vào dịp lễ tết ở Việt Nam lên tới hơn 60%.
Làm thế nào để người Việt chúng ta nói không với tình trạng lái xe sau khi say xỉn?
Với chủ đề này, chương trình Sau tay lái đầu xuân của chúng tôi xin mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe cuộc trò chuyện với nhà văn Trang Hạ.
Xem video:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa chị, chị nghĩ như thế nào về thói quen khá phổ biến ở Việt Nam là bia rượu xong, vẫn lái xe?
Nhà văn Trang Hạ: Thực ra, trong những ngày xuân thì cuộc gặp gỡ không thể nào thiếu bia rượu. Nhưng kể cả trong suốt một năm, cho dù bận đi công tác, đi làm, gặp gỡ hoặc thậm chí chỉ vừa rời công sở xong, chúng ta vẫn kéo dài ngày làm việc bằng một chầu bia, một cuộc gặp gỡ, một cuộc tụ tập cuối tuần.
Và việc uống vài chén sau đó cầm vô lăng không hề xa lạ, nhất là ở quốc gia có lẽ có tỷ lệ tiêu thụ lớn bia rượu như ở Việt Nam và việc chấp hành Luật giao thông cũng không được nghiêm túc lắm.
Vì thế nhiều khi Trang Hạ nghĩ những con số mà chị đưa ra là bề nổi có thể thống kê được nhưng tiềm ẩn ở bên dưới thù nó là một tập quán, là một thứ quán tính sống. Khi chúng ta hoàn toàn không có một cái barrier ở trong quan điểm của mình nghĩa là đã uống rượu bia thì đừng lái xe.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, gần đây cũng rất nhiều vụ tai nạn xảy ra mà do nguyên nhân là phụ nữ lái xe sau khi say xỉn. Là một phụ nữ, chị nghĩ sao về tình trạng này?
Nhà văn Trang Hạ: Có hai điều rất nổi bật hiện diện ở đây. Khi nói đến phụ nữ mà lái xe thì đã là hiện tượng xã hội đang quan sát và nói đến rất nhiều. Thứ hai, là phụ nữ lại còn say xỉn nữa. Cho nên bản thân điều đấy đã nằm trong sự kỳ thị của xã hội và sự kỳ thị ấy nằm ở kỳ thị giới.
Và sự kỳ thị giới đó thì nó khiến cho tất cả tin tức liên quan đến phụ nữ gây tai nạn hoặc uống rượu hoặc lái xe luôn luôn nổi bật lên trên. Ví dụ chỉ có 2 tin tức thôi, trong 1 tuần, cùng một lúc có khoảng chừng 10 vụ tai nạn do nam giới chơi ma túy đá, nam giới lái xe container thậm chí là cán chết người thì đặt bên cạnh thông tin một cô say xỉn và đâm vào 2 cái xe máy thì rõ ràng tin người phụ nữ đạp nhầm chân ga vì say vẫn nổi bật hơn.
Kỳ thị giới đó không nói được bản chất là bỗng nhiên trong năm 2018 phụ nữ uống rượu rất nhiều, lái xe rất nhiều và gây tai nạn cũng rất nhiều. Nhưng nó nói lên một điều là hiện tượng đấy có thật và cho dù nam hay nữ, già hay trẻ thì điều đấy sẽ có thể xảy ra nếu bạn không giữ mình cho những cuộc bia rượu.
"Người thành đạt có thể mua ô tô, nhưng lại thất bại trong chiếc xe lật ngửa"
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, nói đến thói quen bia rượu thì thường người ta nghĩ đến các bậc mày râu, những người đàn ông, câu chuyện phụ nữ đã bia rượu lại còn lái xe nữa thì cũng dễ trở thành định kiến.
Cách đây vài tuần trước tết, có một người vợ đã lên mạng mắng nhiếc và trách móc người bạn của chồng mình về việc anh ta đã ép chồng mình uống rượu và để cho chồng mình chở về nhà lái xe trong tình trạng say xỉn, hệ quả là đã gây ra một vụ tai nạn.
Chị nghĩ như thế nào về câu chuyện này, về thứ văn hóa ép bia rượu, không chỉ dịp lễ tết mà ngày thường cũng có?
Nhà văn Trang Hạ |
Nhà văn Trang Hạ: Thực ra “uống có trách nhiệm” không chỉ là một câu khẩu hiện mà nên trở thành một triết lý sống. Nhưng rất tiếc là mọi triết lý sống, chúng ta theo đuổi đều rất khó khăn.
Người phụ nữ lên mạng, lên Facebook của mình và chửi mắng người bạn của chồng thực ra giống như là giọt nước tràn ly. Họ đã thực sự bất lực. Mình nghĩ đấy không phải là một sự căm thù hay khinh bỉ, sợ hãi mà đó là một sự bất lực khi cô ấy không còn lựa chọn nào khác hoặc cô ấy đã từng thử một cách khác ví dụ là nhắc nhở chồng đừng uống nhiều, đánh tiếng, bắn tín hiệu với những người bạn nhậu là anh ấy có vấn đề về sức khỏe nên đừng ép anh ấy hoặc anh ấy eo hẹp về thời gian nên phải đúng giờ về nhà.
Tức là cô ấy đã từng thử những cách thông thường, những cách mà các chuyên gia tâm lý, các chuyên gia xã hội chắc chắn sẽ đi khuyên những bà vợ khác.
Mình nghĩ là mình đã từng có lần phản ứng một cách rất bản năng giống như người vợ đi mắng bạn chồng như thế. Nhưng có một điều rất buồn cười như thế này, cơn bực tức của bạn về việc chồng say rượu hoặc là chồng bị ép buộc thì phải hiểu rằng là chồng mình cũng có lúc đi ép người khác và khi người khác ép chồng mình thì chồng mình hoàn toàn có quyền đứng lên vào bất cứ lúc nào, ngừng uống vào bất cứ lúc nào, thậm chí là rời nơi ấy đi về vào bất cứ lúc nào.
Một người trưởng thành trên 18 tuổi có bằng lái xe là người duy nhất chịu trách nhiệm về hành vi khi mình lái xe, trạng thái sức khỏe khi mình lái xe nên đầu tiên là không thể đổ cho người khác và phải tự chịu trách nhiệm.
Nhưng điều thứ hai rất quan trọng, các cụ nói là “chọn bạn mà chơi” hoặc “giàu vì bạn sang vì vợ”, đó là một người chồng thất bại có một nhóm bạn thất bại và cũng có một bà vợ đau khổ. Vậy rõ ràng đó không phải một người đàn ông thành đạt trong cuộc sống hoặc có thể thành đạt khi họ kiếm được tiền hoặc mua được chiếc xe ô tô, nhưng họ thực sự đã thất bại trong chiếc xe lật ngửa.
Trang Hạ nghĩ rằng nhóm bạn đó rồi cũng sẽ có bài học của họ thôi. Nhưng một cách khác thì rất được nhiều bà vợ hả hê khi đọc được lá thư đó.
Nhà báo Phạm Huyền: Trên thực tế, cũng rất nhiều những ý kiến mắng ngược lại chị vợ là anh chồng mới là người lẽ ra phải quyết định việc đó thay vì bạn chồng. Có bao giờ trong gia đình chị hay xung quanh bạn bè mà chị cũng gặp những trường hợp tương tự, tức là cũng lái xe sau khi say rượu?
Nhà văn Trang Hạ: Thường thì khi còn trẻ, cũng có khi mình sẽ tỏ thái độ mặt nặng mày nhẹ với ông xã và với bạn bè. Bởi vì khi bù khú, đôi khi có một đám sinh nhận bạn thôi chẳng hạn cũng có thể uống tới khuya.
Nhà văn Trang Hạ |
Thế nhưng khi bọn mình đã có tuổi và nhất là khi bé đầu lòng ra đời thì điều đó tự điều chỉnh lại hành vi trong gia đình. Thậm chí ông xã mình nếu đi uống nhậu, uống rượu bia say hoặc thấy bạn bè say thì điều đầu tiên bao giờ cũng bảo em gọi xe cho anh, không thì để xe ở đây mai đi về, thậm chí có những khi nhà mình không còn chỗ để để xe máy nữa bởi vì mọi người dồn hết xe vào, có xe khác đưa về.
Và thậm chí là gọi điện và biết được con cháu trong nhà đang say ở đâu chẳng hạn thì sẽ kêu đứa khác đưa về. Có một hành động mà ông xã mình hay làm là hay gọi điện, có thể gọi điện cho khách hàng, gọi điện cho người vừa rời bữa nhậu sau đó nửa tiếng và hỏi là tình trạng của anh như thế nào hoặc anh về ra sao hoặc dặn dò gì đó về sức khỏe.
Mình nghĩ rằng uống có trách nhiệm đôi khi không phải chính người uống mà cả những người tham gia cùng vui và trách nhiệm không chỉ là uống ít, còn có nghĩa là điều khiển hành vi của mình không gây nguy hiểm cho những người khác, ví dụ như những người ở trước cái vô lăng của bạn.
Chế tài nào quản lý nổi khi tài xế là "sâu rượu"?
Nhà báo Phạm Huyền: Cách đây khoảng 1 – 2 tháng trên cộng đồng mạng xã hội cũng nổ ra một cuộc tranh luận về các điều luật, chế tài liên quan đến vấn đề này.
Trong đấy cũng có một tình huống người ta đặt ra là tại một số nước cũng có những quy định xử phạt chính những người chủ nhà hàng sau khi để khách hàng của mình bia rượu quá chén và trở về tham gia giao thông như bình thường. Chị nghĩ ở Việt Nam chúng ta có nên áp dụng như vậy không?
Nhà văn Trang Hạ: Thực ra cảnh sát giao thông ở ta đã từng dùng một cách là mai phục ở trước cửa quán nhậu. Đọc những tin tức về cảnh sát giao thông ở trong miền Nam, có những người nói rằng tôi vừa vào quán chào bạn uống một lon bia ra mà đã bị xử phạt. Nghĩa là nếu họ hoàn toàn phạt được khách nhậu thì họ cũng hoàn toàn có đủ khả năng và có đủ cách để phạt được những người tổ chức nhậu nhẹt quá đà.
Tuy nhiên ở Việt Nam có một điều như thế này, thứ nhất là những hình phạt và nhất là chúng ta đang thảo luận trên mạng xã hội đó là có thể tước bằng lái 4 – 6 tháng hay phạt cao nhất đến từ 16 – 18 triệu thực ra rất nhỏ so với chế tài phạt của quốc gia khác.
Thứ hai là việc lạm dụng bia rượu của Việt Nam rất tràn lan. Thứ ba nữa là nếu bạn để ý thì bạn thấy rằng có rất nhiều khi chúng ta sẽ bị tình cảm lấn át lý trí, biết rõ là không nên uống rượu lái xe nhưng vẫn ngồi đây với anh em và uống một hai chén.
Nhiều khi khi lái xe về nhà an toàn trong cơn say mình nghĩ rằng là ồ mình giống như một tên trộm vặt không bị bắt quả tang, nhưng có chắc là cả cuộc đời mình có thể luôn luôn đi đêm mà không gặp ma hay không thì mình không biết?
Nhưng tâm lý của mỗi lần thoát nạn như thế thì làm cho người ta can đảm hơn để nâng cấp lên ở những lần sau và những điều đó, Trang Hạ nghĩ rằng những ông chủ quán không thể quản chế được. Kể cả những chế tài phạt không thể quản chế được nếu như thực sự chính bản thân những con “sâu rượu” hoặc những tài xế say sưa họ không tự biết rằng mình nên dừng lại ở lúc nào.
Nhà báo Phạm Huyền: Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì mức phạt cao nhất đối với người lái xe say xỉn nặng với tỷ lệ trên 80 mg/100ml máu hoặc trên 0,4mg/ lít khí thở là là 18 triệu đồng và tước bằng lái xe trong khoảng 6 tháng. Đấy là mức phạt cao nhất, chị có suy nghĩ như thế nào về mức phạt như vậy?
Nhà văn Trang Hạ: Nếu so sánh với nước ngoài thì có khi mức phạt đấy chỉ tương đương với việc vừa lái ô tô vừa nhắn tin hoặc cầm điện thoại 1 tay xem đường chỉ đường ở nước ngoài.
Với mức phạt đấy nếu bạn so với những vi phạm khi học lái xe ở Đức, chạy xe ở Canada thì bạn thấy là nó quá nhỏ và thậm chí là việc uống rượu lái xe còn không bị bấm lỗ, nó giống như một cái gọi là tiền án ở trong hồ sơ lái xe của bạn, vì thế nên nó không đủ sức răn đe.
Nhà báo Phạm Huyền: Chị nghĩ chúng ta có nên nâng hình phạt lên chẳng hạn như phạt tù tới 6 tháng chẳng hạn?
Nhà văn Trang Hạ: Mình lại nghĩ ngược lại. Việc một người ngồi tù không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội bằng việc chính người đấy buộc phải làm những công việc công ích có tác dụng, ví dụ như họ buộc phải trở về trường của con cái dạy một đến hai giờ ngoại khóa về việc đảm bảo an toàn, thoát thân, rồi luật an toàn giao thông cho con cái.
Mình học truyền thông, có một lý luận gọi là lý luận tiếp thu. Đám đông, công chúng đấy là ai thì bạn phải dùng theo cách của họ, giống như mình đi du lịch sang Anh thì mình phải nói tiếng Anh, mình tới một quốc gia mà họ chỉ mê cờ bạc, mình buộc phải dùng cách là mê cờ bạc để đầy truyền thông tới họ, thì giáo dục về việc không lái xe sau khi uống bia rượu hoặc hình phạt bằng tiền nặng lên hoặc bỏ tù cũng không phải cách làm sạch hơi men sau tay lái mà mình vẫn nghĩ rằng cách giáo dục và nâng cao nhận thức.
Đôi khi quan điểm của chúng ta sẽ quyết định nhận thức và nhận thức ảnh hưởng trở lại đến hành vi.
Bạn làm chủ cuộc đời bạn chứ không phải là cơn say
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng như chị vừa đề xuất những giải pháp khá hay nhưng đấy là áp dụng một chế tài mềm đối với những người đã vi phạm. Có rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra và người ta hay nói một câu là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Sau những vụ tai nạn đấy, nhiều ý kiến tỏ ra xót xa, cũng bức xúc và lan truyền rất mạnh nhưng sau đó, tình trạng lái xe sau khi say xỉn vẫn cứ diễn ra.
Mức độ cảnh tỉnh từ các vụ tai nạn có cảm giác như vẫn còn rất thấp. Vậy chị nghĩ như thế nào về một giải pháp nào đó để người Việt chúng ta thực sự phải chuẩn chỉnh khi ra đường, khi tham gia giao thông trong từng hành vi kể cả lái ô tô, lái mô tô hay đi bộ?
Nhà văn Trang Hạ: Nếu chúng ta muốn tăng hình phạt để giữ một môi trường giao thông an toàn tại Việt Nam thì điều quan trọng không phải là tăng mức phạt hay thậm chí là đe dọa bỏ tù, dùng Luật Hình sự để dọa nạt lái xe mà điều quan trọng là hệ thống kiểm soát và kiểm tra trên dọc tuyến đường hoặc các điểm chốt giao thông hay thậm chí là ở cửa quán nhậu.
Nhưng thậm chí cả những chốt trên đường và đôi khi người cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư đường không đủ, mình buộc phải có một hệ thống camera theo dõi ở dọc đường. Ví dụ thay đổi tốc độ của xe, nếu như thấy một chiếc xe biến tốc hoặc đi lạng lái, thực ra hệ thống xử lý thông tin hoàn toàn có thể cảnh báo và thậm chí là có chụp cả biển số xe. Có rất nhiều thông tin nếu mình dùng hệ thống dữ liệu để mình có thể kiểm soát.
Có rất nhiều cách để kiểm soát nhưng hệ thống đấy có phải thực sự hữu hiệu hay không thì nó nằm ở một là cơ chế quản lý, cái cách mà chúng ta dùng tiền để đầu tư vào một hệ thống phòng chống lái xe say xỉn rồi gây tai nạn.
Từ hệ thống đó, mới đưa ra được số liệu và phạt một cách chính xác, đã say là phạt chính xác và sẽ không có những vụ như Trang Hạ nói là ồ mình say nhưng mình vẫn về nhà, mình cảm thấy khoái trá như một tên trộm vặt không bị bắt quả tang vậy. Hệ thống kiểm soát đấy mới là quan trọng chứ không phải nâng mức phạt lên 16 triệu trở thành 100 triệu như một số quốc gia khác.
Mình cũng có một vài lời muốn nói với những bạn lái xe, bạn có bằng lái bạn có thể mua được ô tô và bạn có rất nhiều bạn bè yêu mến, bạn có những cuộc vui và những lời chúc mừng, thế nhưng hãy nhớ đàn ông cầm chén lên được thì đặt chén xuống được mà nếu như là phụ nữ đi chăng nữa thì không ai có quyền ép bạn say sưa nếu như bạn không muốn. Vì thế, người đầu tiên làm chủ cuộc đời của bạn, sinh mệnh của bạn chính là bạn chứ không phải là cơn say.
Điều thứ hai nữa là hãy chọn một nhóm bạn nào biết giữ gìn cho bạn, ủng hộ bạn và thậm chí là chăm sóc bạn chứ không phải kéo bạn vào những cơn say vô trách nhiệm.
Mình nghĩ rằng khi tạo ra một nhóm cộng đồng tích cực và tạo ra thói quen sống tích cực cho con người, cho chính bản thân mình thì đấy chính là cách tạo ra an toàn cho gia đình bạn, cho cả những gia đình khác.
Nhà báo Phạm Huyền: Cám ơn chị đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về chủ đề này.
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Thúy Hồng, Đức Yên, Huy Phúc, Bạt Tuấn
Ảnh: Phạm Hải
Bạn nghĩ gì về văn hóa lái xe sau khi đã uống bia rượu ở Việt Nam? Mọi ý kiến chia sẻ, tin bài cộng tác xin gửi về chuyên trang qua email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Say rượu vẫn lái xe: Vui mình hưởng, đau thương người khác gánh
Nữ tài xế BMW dự tiệc liên hoan say rượu vẫn lái xe gây tai nạn liên hoàn đã gieo tang tóc, đau khổ cho bao gia đình khác.