|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tôi đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Liên minh Viễn thông Quốc tế và các nước thành viên đã tích cực hợp tác với Việt Nam để tổ chức sự kiện quan trọng này theo hình thức trực tuyến, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả chúng ta cùng đoàn kết, chung tay thúc đẩy hợp tác và phát triển trong kỷ nguyên số.
Thưa toàn thể quý vị,
Hội nghị và Triển lãm Thế giới số là sự kiện quy mô lớn thường niên, được cộng đồng viễn thông, công nghệ thông tin đón nhận như một cơ hội tăng cường hợp tác, thúc đẩy lan tỏa tri thức, sáng kiến, giá trị công nghệ ra toàn thế giới. Sự kiện này có tính kết nối, lan tỏa, truyền cảm hứng và càng có ý nghĩa hơn khi được diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với “thách thức kép”: Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thời điểm thích ứng để chúng ta đổi mới tư duy, cách vận hành, cách quản trị kinh tế - xã hội, cùng chung tay quản lý sự thay đổi, biến nguy thành cơ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với mọi hoàn cảnh để vượt qua và trưởng thành mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, công nghệ, dịch vụ số đã chứng minh những lợi thế về tính linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến để vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Chính vì vậy, Hội nghị Bộ trưởng cần trao đổi thảo luận, tổng kết những sáng kiến số có hiệu quả trong phòng chống Covid-19 của các quốc gia thời gian qua; chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm hay, bài học quý từ các quốc gia khác nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, đưa ra các dự báo và khuyến nghị để chủ động thích ứng với những rủi ro khác trong tương lai như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, và các biến đổi bất định khác.
Thưa các quý vị,
Cùng với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số”, tôi mong muốn chia sẻ với Hội nghị một số quan điểm và ưu tiên hợp tác như sau:
Thứ nhất, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, nhất là trong ITU, phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.
Thứ hai, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong quá trình thay đổi sâu, rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ các nước cần phải định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả; phải huy động cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội.
Thứ ba, sự dẫn dắt, định hướng của Nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Vì vậy, hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực Tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.
Thứ tư, chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực hiện thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Bởi vậy, vai trò dẫn dắt của Chính phủ cũng như các sáng kiến, kế hoạch hợp tác trọng tâm của ITU phải hướng tới mục tiêu này, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ năm, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc trong việc định hướng khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Thưa các quý vị đại biểu,
Việt Nam đã xác định một trong các quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 là Phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng tự thay đổi, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của Liên minh Viễn thông Quốc tế; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao.
Thưa các quý vị,
Tất cả chúng ta đang hiện diện ở đây để cùng hành động, kết nối, sẻ chia, tăng cường đoàn kết, cùng nhau xây dựng tương lai số tiến bộ, an toàn, thịnh vượng, góp phần cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Một lần nữa, tôi trân trọng cảm ơn Liên minh Viễn thông Quốc tế và các nước thành viên ITU đã dành cho Việt Nam sự hợp tác quý báu thời gian qua và mong muốn tiếp tục hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước.
Xin chúc toàn thể quý vị bình an, hạnh phúc và thành công. Tôi mong muốn và tin tưởng chắc chắn rằng, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 sẽ đạt được những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng Thế giới số toàn diện, vì sự tiến bộ và phồn vinh của nhân loại.
Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của tất cả các quý vị!
" alt="Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU"/>