Tejvinder quấn một tấm vải trắng quanh mặt và lau mồ hôi chảy ròng ròng trước khi lao mình vào ánh nắng chói chang của Delhi. Nhân viên giao hàng 23 tuổi này không có công cụ bảo hộ gì trong thời tiết khắc nghiệt. Anh chạy đua với thời gian,àixếcôngnghệẤnĐộkiệtquệtrongnắngnóngkỷlụlịch hôm nay một khách hàng đang chờ anh giao đồ trong vòng 10 phút, nếu không họ có thể chuyển sang ứng dụng đối thủ.
“Khi di chuyển tốc độ cao, đôi lúc tôi cảm thấy như không thở nổi dưới trời nóng”, Tejvinder nói khi chuẩn bị cho cuốc giao hàng thứ 17 trong ngày. “Tôi hoàn toàn kiệt sức sau khi hết ca. Gần như ngày nào tôi cũng bị đau đầu”.
(Ảnh: Suhail Bhat) |
Ấn Độ và Pakistan đang hứng chịu các trận nắng nóng kỷ lục trong năm nay với nhiệt độ lên tới 49,2 độ C tại thủ đô Delhi, thành phố vốn đã ô nhiễm bậc nhất thế giới. Nhiệt độ như thiêu đốt được cảnh báo đe dọa sức khỏe của mọi người khi số ca tử vong liên quan tới nắng nóng cao chưa từng có.
Dù vậy, giấu mình trong văn phòng điều hòa mát rượi hay ngồi trước quạt là một giấc mơ ngoài tầm với của khoảng 15 triệu tài xế công nghệ như Tejvinder. Ngày qua ngày, “đội quân” ấy phơi mình trên những con đường nóng hầm hập, trong khi những ông chủ cạnh tranh với nhau xem ai cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh hơn.
Tejvinder kiếm được khoảng 420 rupee (5,4 USD)/ngày sau khi trừ chi phí xăng xe. Anh thức dậy mỗi buổi sáng tại một nhà kho ở phía Nam Delhi, thuộc ứng dụng giao hàng Blinkit. Anh và các đồng nghiệp thậm chí không được phát nước mát trước khi vào ca từ 6 giờ sáng.
“Họ lắp nhiều cây nước lạnh cho nhân viên văn phòng nhưng tài xế giao hàng không có gì cả. Chúng tôi còn không có quạt, vì vậy phải ngồi bên dưới bóng cây”, anh chia sẻ.
Đôi khi, khách hàng sẽ đổ đầy chai nước cho họ, nhưng không thấm vào đâu khi mặt trời lên. “Họ bảo chúng tôi không cần vội, họ lo lắng cho chúng tôi hơn cả công ty. Tôi cố gắng luôn uống đủ nước nhưng điều đó cũng không dễ dàng gì dưới thời tiết này. Nước trong bình nóng tới mức không uống được”.
Theo báo cáo công bố tháng trước của Liên Hợp quốc, hơn 320 triệu người – bao gồm các công nhân và người lao động nghèo – tại Ấn Độ gặp rủi ro do nắng nóng và không có quạt, tủ lạnh hay thiết bị làm mát. Các nhà sản xuất điều hòa ở đây được dự báo đạt doanh số kỷ lục năm nay, song nó cũng đồng nghĩa với tiêu thụ điện tăng đột biến, gây áp lực lên lưới điện quốc gia.
Sunil, tài xế 25 tuổi của ứng dụng giao đồ ăn Zomato, hiểu hơn ai hết nỗi khổ của nắng nóng. Ca của anh bắt đầu từ buổi trưa – thời điểm nóng nhất trong ngày – và bị sỉ nhục khi các chủ cửa hàng từ chối cho anh và những tài xế khác dùng nhà tắm của họ.
“Mới tuần trước, một trong các tài xế bị tiêu chảy do trời quá nóng. Anh ấy phải lái xe về nhà trong tình trạng như vậy để có thể làm dịu tình hình và nghỉ ngơi”, Sunil nói.
Zomato không bình luận gì, trong khi Blinkit cho biết tích cực hối thúc các cửa hàng đối tác bảo đảm luôn cung ứng nước và hệ thống làm mát. Shaik Salauddin, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân viên vận tải ứng dụng Ấn Độ, cho rằng cung cấp dịch vụ cơ bản là điều tối thiểu ngành công nghiệp có thể làm.
“Mang theo túi đồ cả ngày trong cái nắng này sẽ làm bạn gãy lưng. Các nhà hàng không cho nhân viên giao hàng dùng phòng tắm; trong các khu chung cư, đôi khi bạn phải đi cầu thang bộ trong khi thang máy vẫn hoạt động”, ông bày tỏ.
Ngày càng nhiều lời kêu gọi tăng lương cho nhân viên làm việc trong thời tiết khắc nghiệt. Các công đoàn vẫn đang chờ đợi thay đổi trong luật lao động để bảo đảm một số biện pháp bảo vệ cho tài xế công nghệ. “Khi trời mưa, họ trả thêm cho chúng tôi 5 rupee/đơn hàng. Logic ấy nên áp dụng với thời tiết nắng nóng như thế này. Các công ty không muốn nhận trách nhiệm với nhân viên. Họ chỉ muốn kiếm hoa hồng trên mỗi ngày làm việc vất vả của người lao động”, Salauddin nói.
Dù vài cơn mưa sắp tới sẽ giúp giải tỏa cơn nóng, không nhiều nhân viên giao hàng chờ đợi cuộc sống của họ sẽ dễ dàng hơn. Tỉ lệ thất nghiệp báo động tại Ấn Độ đẩy nhiều người trẻ vào lĩnh vực giao hàng, giảm giá tiền lương và thúc đẩy cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng dụng. “Trước đây, họ từng trả cho chúng tôi 50 rupee/đơn hàng. Bây giờ là 35 rupee. Giá ngày càng xuống”, Tejvinder – người đang sống trong căn hộ cho thuê 1 phòng với mẹ và anh trai – tiết lộ.
Du Lam (Theo Nikkei)
Ứng dụng gọi xe tìm mọi cách giữ chân tài xế công nghệ
Giá xăng tăng cao khiến áp lực của tài xế ngày càng nhiều hơn. Các hãng gọi xe tìm mọi cách giữ chân tài xế bằng các chương trình hỗ trợ, giảm chiết khấu khi khó có thể tăng giá dịch vụ.