Bây giờ là giữa mùa hè, cái nắng của vùng Tây Bắc như được tiếp thêm sức nóng khiến màu hoa của những cây phượng ven đường dẫn vào thành phố Hà Giang rực thêm sắc đỏ.Hai giờ chiều, anh lái xe cho mọi người dừng nghỉ giữa đỉnh Cổng Trời, cả đoàn lục tục kéo nhau xuống xe, mấy người yếu thì ôm đầu ậm ọe, người khỏe thì uống nước, hút thuốc và thả hồn vào mây, vào núi… Mười phút sau, đợi cho mọi người chụp ảnh và gọi điện nhắn tin xong, trưởng đoàn Trần Bình Tám thủng thẳng nói:
"Bây giờ mới chính thức đặt chân vào cao nguyên đá, từ sáng đến giờ đoàn chúng ta mới chỉ đi dạo chơi. Phía trước là dốc, là đèo, là quanh co gấp khúc. Và cái đẹp mê hồn của đất trời Hà Giang cũng bắt đầu từ đây. Mọi người cứ thỏa sức mà say…".
Đúng như lời ông Tám, chiếc xe 16 chỗ bắt đầu vặn vẹo ngả nghiêng, rất nhiều khúc cua tay áo khiến cho mọi người bồng bềnh nôn nao.
Xe qua đất Yên Minh, Mèo Vạc hiện ra với bạt ngàn núi đá. Không khí trong xe như chùng xuống, có lẽ mọi người đang lặng lẽ thả hồn vào đá. Tôi cảm thấy khâm phục bà con người Mông nơi đây, cảm phục tinh thần bất khuất, sáng tạo, dũng cảm, cần cù của họ.
Họ đã biến đá thành ngô, ngô bạt ngàn chen chân vào từng khe đá, ngô đè đá, vươn cao, trổ hoa trổ bắp. Chắc chắn rằng mỗi cây ngô, mỗi bắp ngô đều ngấm ướt vị mặn mòi những giọt mồ hôi của người dân nơi đây.
Trời đã về chiều, nắng chuyển sang màu vàng, cái nóng dịu đi nhường lại bầu không khí mát mẻ cho cao nguyên đá. Bất chợt, chúng tôi bắt gặp lũ trẻ đang chạy tung tăng trên đường, phóng viên Vũ Nhung nói với anh lái xe cho xe dừng lại, cả đoàn kéo xuống để chia kẹo bánh, truyện tranh và giao lưu với các cháu.
17h30, chúng tôi tới thị trấn Mèo Vạc. Không khí làm việc của các ban ngành trong huyện chiều cuối tuần vẫn diễn ra hối hả. Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Phi Long đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu.
Ăn tối xong, chúng tôi đi nghỉ sớm. Suốt một ngày đánh vật với dốc, với đèo, với gập ghềnh núi đá nên cả đoàn đều thấm mệt. Đêm cao nguyên yên tĩnh và trong lành, không khí mát dịu đã làm giấc ngủ của chúng tôi như ngắn lại.
Lần này lên Mèo Vạc, Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông có mang theo 500 cuốn sách để tặng cho Trường THPT của thị trấn. Đây là sáng kiến của nhà báo Trần Bình Tám. Ông muốn đem văn hóa đọc đến vùng núi xa xôi này để các em học sinh có điều kiện tiếp cận với các kiến thức mới, kĩ năng sống và hướng nghiệp trong tương lai.
Buổi làm việc với ban giám hiệu nhà trường diễn ra rất nhanh chóng nhưng thật hiệu quả. Thầy giáo quyền hiệu trưởng Nông Thế Huân xúc động tiếp nhận món quà tinh thần từ các nhà báo. Ông nói lời cảm ơn và mong "các nhà báo, các cơ quan ban ngành ở Trung ương quan tâm hơn nữa đến việc học tập của con em các dân tộc ở Mèo Vạc, đặc biệt là con em các dân tộc thiểu số. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn thiếu sách giáo khoa, thiếu sách tham khảo, sách hướng nghiệp và các thiết bị giảng dạy khác…".
Chúng tôi đến dự giờ Văn của một lớp 12. Cô giáo Lù Thị Ngân đang say sưa truyền đạt cho các em về cảm thụ văn học trong văn thơ. Nhà báo Trần Bình Tám – một giảng viên đại học – đã được mời giảng mẫu về chủ đề tình yêu Tổ quốc của người Việt Nam.
Mặc dù không có sự chuẩn bị trước nhưng với kinh nghiệm của mình, thầy Tám đã truyền lửa cho các em bằng một phương pháp dạy truyền cảm, dễ hiểu, thu hút sự lắng nghe của các em và các đại biểu. Hết buổi giao lưu, thầy Nông Thế Huân chạy lên ôm chầm lấy nhà báo. Ông nói với giọng tiếc nuối:
- Biết thầy nói hay thế này em cho cả trường tập trung để nghe thì tốt biết mấy.
Cô giáo trẻ Tống Ngọc Huyền thì không giấu nổi xúc động:
-Thầy ơi! Thầy làm em rưng rưng nước mắt. Sao thầy nói thuyết phục và gần gũi thân thương thế! Bọn em học được ở thầy nhiều lắm!
Tạm biệt thầy trò trường THPT Mèo Vạc, chúng tôi đi về xã Pả Vi. Từ đường Quốc lộ 2C nhìn xuống, dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải lụa mềm có màu xanh lục, rất đẹp nhưng nếu ai sợ độ cao sẽ không dám nhìn lâu.
Quả thật, địa hình nơi đây vô cùng hiểm trở. Để lên được các nhà dân, chúng tôi phải đi bộ theo dải đường mòn đã được đổ bê tông. Nhà nào thuận lợi thì ở gần đường, nhà nào ở cao hơn thì chưa có đường lên, cứ phải leo trèo qua các bậc đá trơn trượt và độ dốc cao.
Phó Chủ tịch Ma Quốc Trưởng vẫn luôn dẫn đầu đoàn, tuy vậy mồ hôi đã ướt đầm lưng áo anh. Hai nhà báo nữ Vũ Nhung và Bình Minh rất hứng thú với việc chia bánh kẹo và sách ảnh cho bọn trẻ, nhà báo Nguyễn Đức Huy thì mải mê chụp ảnh.
Được tận mắt chứng kiến cảnh sống khó khăn của bà con người Mông nơi đây, Bình Minh đã thốt lên: “Em thật là may mắn được đi cùng các anh trong chuyến công tác này. Em vẫn biết là bà con còn khó khăn nhưng gặp được bà con rồi, em mới hiểu xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Vũ Nhung thì đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ việc một đôi vợ chồng người Mông có ba cô con gái, người chồng mới 21 tuổi còn cô vợ thì 25 tuổi, đứa con lớn 4 tuổi, đứa con thứ ba còn đang đỏ hỏn. Cả gia đình sống trong ngôi nhà đơn sơ trống trải. Còn ông Giàng Mí Sà sinh năm 1970, Nhung lại tưởng ông ấy là 70 tuổi.
Gia đình ông Sà có 9 khẩu, người con trai lớn đã lấy vợ và có con nhưng vẫn chưa có điều kiện ra ở riêng. Vậy là 9 con người cứ xoay tròn trong ngôi nhà chật hẹp. Bình Minh hỏi han rất kĩ ông Giàng Mí Sà thông qua anh công an xã làm phiên dịch. Được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà lần này, ông Sà vui lắm. Ông cứ nói đi nói lại rằng:
- Tôi có cái nhà mới rồi. Yên tâm rồi. Giờ chỉ việc lo cái ăn cái mặc và cho con cháu đi học cái chữ nữa thôi.
Cuối buổi trò chuyện, Bình Minh đã lấy tiền riêng của mình ra biếu ông Sà 500 nghìn đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng nó mang nhiều ý nghĩa nhân văn, cả người cho và người nhận đều nở một nụ cười thân thiện.
Mới gần trưa mà trời đã nắng như đổ lửa, con đường mòn dẫn lên bản Mã Phí Lèng vẫn nhiều người lên xuống. Bà con đang vận chuyển gạch đá, xi măng để chuẩn bị làm nhà. Dự án xóa nhà tạm đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết hết được khó khăn về nhà ở cho bà con. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều việc phải lo và còn cần phải thêm thời gian nữa…
Tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn của tất cả các cấp và các ban ngành trong huyện. Với 86.000 dân trong đó có 79% là bà con người Mông, toàn huyện có 17 xã và một thị trấn, trong đó 10 xã là núi đá, 3 xã ở vùng biên giới.
Vẫn còn hơn 7.000 hộ nghèo và 6% hộ cận nghèo. Đặc biệt là khí hậu ở Mèo Vạc rất khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, nước sinh hoạt của bà con rất thiếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng gia sản xuất.
Đối với việc phát triển văn hóa xã hội, khó khăn lớn nhất vẫn là việc con em của bà con người Mông không đi học hoặc đi học rồi lại bỏ. Có nhiều lý do khi đặt ra câu hỏi tại sao các em không đến trường? Nào là do địa hình hiểm trở, nhà ở cách xa trường, phải ở nhà tham gia các công việc như giữ em, nấu cơm, chăn bò, chăn lợn, làm cỏ ngô,…
Tôi chợt nhớ đến cậu sinh viên Sình Mí Cáy ở xã Pải Lủng, xuống Hà Nội học ở khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông trường Đại học Hòa Bình. Cáy kể, nhà có 5 anh em trai, cậu em thứ hai đã lấy vợ khi tuổi chưa đầy 19. Cậu thứ ba cũng xuống Hà Nội học Cao đẳng Nội vụ. Cả hai anh em đều đi làm thêm bốc vác vào buổi tối hoặc nhặt bóng cho các sân đánh quần vợt. Cố gắng tằn tiện cũng đủ tiền học và tiền ăn.
Năm 2018 Cáy đã ra trường và trở về Mèo Vạc nhận công tác ở một xã trong huyện. Khớp lại các câu chuyện của anh em Sình Mí Cáy, của trường THPT, của các đồng chí lãnh đạo huyện và những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi, tôi thấy trong lòng đang nhen nhóm một niềm vui và tràn đầy hi vọng.
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng lộ trình xây dựng chương trình “Nông thôn mới” đang được triển khai quyết liệt. Trong năm 2020 ít nhất sẽ có một xã hoàn thành mục tiêu này. Tôi hỏi đồng chí Phó Chủ tịch huyện:
- Giải pháp nào để tiến hành chương trình xây dựng “Nông thôn mới”?
Đó là sự chỉ đạo sát sao liên tục, đứng đầu là đồng chí Bí thư huyện ủy. Các tiêu chí cụ thể như thu nhập, nhà ở, nhà vệ sinh,… lập ban chỉ đạo để phân bố ngân sách hợp lý; tạo công ăn việc làm; đưa con em đi lao động ở các khu công nghiệp trong nước; ký kết hợp đồng lao động với các tỉnh, huyện giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; quy hoạch lại các vùng sản xuất, chăn nuôi, kết hợp với du lịch, xây dựng thêm các hồ chứa nước sạch, xóa nhà tạm cho một nghìn hộ dân,…
Con số đưa ra là rất nhiều, rất lớn, nhưng đó là những con số và kế hoạch rất cụ thể, chính xác, mang tính khả thi cao. Điều quan trọng là: "lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã xác định đúng mục đích. Đó là: muốn xây dựng nông thôn mới trước hết phải bắt đầu từ dân, dựa vào dân".
Quá trưa, đoàn chúng tôi được Ủy ban nhân dân huyện mời cơm. Mặc dù đã rất đói, cơm rất ngon nhưng câu chuyện về những đứa trẻ người Mông còn thiếu thốn, những ngôi nhà tạm, những thầy cô giáo đang vượt mọi khó khăn để trụ lại với nghề trên cao nguyên đá, để dạy cái chữ cho các em, và cả những trăn trở suy tư của các đồng chí lãnh đạo huyện, của đoàn nhà báo chúng tôi vẫn cứ diễn ra sôi nổi.
Tạm biệt Mèo Vạc, tạm biệt những bà mẹ người Mông ướt đầm mồ hôi trên lưng áo để tạo nên màu xanh mướt mát của ngô. Tạm biệt những nụ cười hồn hậu và đầy thân thiện của người Mèo Vạc.
Những ông bố vật lộn với cô đơn, nuôi vợ con ở trời Tây
Có khoảng 1.900 phụ nữ Hàn Quốc đang nuôi dạy con một mình ở Montreal, Canada, trong khi chồng họ vẫn ở quê nhà, hỗ trợ họ về mặt tài chính.
">