|
Trong bản tham luận có tên “Sống còn trong tâm bão APT” được trình bày trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017), ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và huấn luyện An ninh mạng CSO cho rằng các chiến dịch tấn công mạng có chủ đích (APT) đã, đang diễn ra và kéo dài nhiều năm gần đây. Các cuộc tấn công có chủ đích này bao trùm nhiều khu vực với nhiều hình thức khác nhau và nhằm vào các tổ chức kinh tế, quân đội, cơ quan Chính phủ... Trong đó, nhiều báo cáo xác định Việt Nam là một trong những mục tiêu của các chiến dịch tấn công APT.
Theo ông Đỗ Ngọc Duy Trác, các cuộc tấn công APT thường có đặc tính: cao cấp (bởi nó nhắm tới mục tiêu cụ thể, hoạt động có tính điều phối và có mục đích cụ thể); mang tính thường trực, lâu dài (được chuẩn bị triển khai trong nhiều năm đến khi đạt được mục đích); có tổ chức đứng đằng sau, có sự đầu tư, hậu thuẫn về tài chính và sử dụng nhiều phương pháp mới, phức tạp,…
Theo một khảo sát, 27% các cuộc tấn công APT nhắm vào tổ chức Chính phủ. Tiếp theo là các doanh nghiệp viễn thông với dữ liệu khách hàng rất lớn, tài chính ngân hàng,… Nhưng trong thực tế, 96% tổ chức được khảo sát vẫn bị xâm nhập bất chấp việc hàng năm chi hàng tỷ USD cho các biện pháp phòng chống.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong suốt thời gian qua, APT vẫn luôn diễn ra với quy mô và thiệt hại lớn. Theo ông Đỗ Ngọc Duy Trác, lý do bởi "Chúng ta thất bại trong hoạt động ngăn chặn, trong phát hiện sớm và cả thất bại trong việc phản ứng, kiện toàn hệ thống".
">