Để bạn đọc hiểu rõ hơn về mô hình Google Adsense, hãy xét ví dụ như sau. Sau khi khách hàng vào trang web của một hãng di động A, trình duyệt ghi nhận người này có thể quan tâm đến các sản phẩm của hãng A đó.
Sau đó họ truy cập YouTube, những kênh đủ điều kiện kiếm tiền sẽ được Google cho hiển thị quảng cáo của hãng A. Những mẩu quảng cáo này sẽ chủ động "bám" theo người dùng khi xem các video tiếp theo.
Về lý thuyết, nhãn hàng không chủ đích đưa quảng cáo lên các kênh YouTube có nội dung bẩn. Trách nhiệm phân phối quảng cáo thuộc về Google. Tuy vậy, YouTube không thực hiện nghiêm túc việc lọc nội dung khiến các quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện trên các kênh có nội dung phản cảm.
Trong đó, trường hợp hàng loạt kênh có nội dung giang hồ, bạo lực như Khá Bảnh vẫn đang tiếp tục nhận tiền từ YouTube là ví dụ.
Suốt 2 năm, YouTube bật kiếm tiền cho kênh Khá Bảnh để hiển thị quảng cáo của nhiều nhãn hàng.
Trong chính sách của mình YouTube ghi rõ những nội dung không được bật quảng cáo:
- Video mô tả các nhân vật hoặc nội dung giải trí gia đình, dù là hoạt hình hay do người thật đóng vai, tham gia hành vi bạo lực, cực kỳ gây khó chịu hoặc có hành vi không phù hợp, ngay cả khi thực hiện vì mục đích hài hước hoặc châm biếm.
- Nội dung kích động người khác quấy rối hoặc đe dọa cá nhân trên hoặc ngoài YouTube.
- Nội dung đe dọa những cá nhân cụ thể bằng việc gây tổn thương cơ thể hoặc phá hủy tài sản.
- Cảnh quay, âm thanh hoặc hình ảnh có liên quan đến đánh nhau trên đường phố, các vụ tấn công gây thương tích.
Như vậy, các video Khá Bảnh vi phạm hầu hết quy định riêng của YouTube nhưng mạng xã hội này vẫn bật kiếm tiền cho kênh trong suốt 2 năm. Đây được xem là việc làm qua mặt nhãn hàng, sử dụng tiền của họ để duy trì hoạt động cho Khá Bảnh.
Số tiền chi cho quảng cáo Google Adsense đang nuôi sống những kênh YouTube bẩn mà nhiều khi nhãn hàng không biết.
Mỗi tháng, Khá Bảnh nhận được hơn 450 triệu đồng từ việc hiển thị quảng cáo Google Adsense. Bên cạnh đó, YouTube trao nút bạc, nút vàng khi kênh của Khá Bảnh đạt 100.000 và 1.000.000 lượt đăng ký như một sự khuyến khích. Trong một video, Khá Bảnh tuyên bố sẽ cố gắng trở thành người Việt Nam đầu tiên có nút kim cương.
Ngoài Khá Bảnh, hàng loạt các kênh với nội dung như tin giả, nói xấu chính quyền và các kênh giang hồ vẫn được YouTube "đục lỗ" để hiển thị quảng cáo, kiếm tiền.
Việc làm này vừa vi phạm chính sách của YouTube, vừa gây ảnh hưởng đến các nhà sáng tạo nội dung chân chính bởi họ không thể cạnh tranh về độ thu hút người dùng với các kênh bẩn. Tuy vậy, nó giúp việc phân phối quảng cáo dễ dàng hơn bởi có nhiều người quan tâm hơn.
Nhóm người xem đông đảo, phù hợp để bán hàng Trung tá - nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, cho rằng giới trẻ cuồng mộ những đại ca “giang hồ mạng” bởi họ thường quan tâm đến cái mới lạ, phá cách, nhì qua có vẻ nghĩa hiệp, giang hồ mã thượng, bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, nói thẳng sống thật, không che giấu thân phận.
Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm còn hạn chế về nhận thức, về khả năng nhận biết, phân biệt tốt xấu, đúng sai; đặc biệt tâm lý bầy đàn, a dua trong giới học sinh, sinh viên. Tuy vậy, đây lại là nhóm người dùng mục tiêu của nhiều nhãn hàng quảng cáo.
Thế hệ Z, những người thích xem những nội dung "giang hồ mạng" lại chính là khách hàng mà nhiều thương hiệu muốn hướng đến.
Trên thực tế, không phải nhãn hàng nào cũng trực tiếp mua quảng cáo từ Google Adsense. Họ thường sử dụng bên thứ 3 để nâng cao hiệu quả và có giá tốt hơn. Tuy vậy, nhiều nhãn hàng đã bị qua mặt và hiển thị quảng cáo trên những nội dung bẩn, thu hút nhiều người xem.
"Vấn đề lớn ở đây là hầu hết nhãn hàng đều nhắm mục tiêu vào nhóm người dùng trẻ thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1996 trở đi). Đặc thù của nhóm này là dễ bị thu hút hay sa đà vào các kênh nội dung bẩn", ông Nguyễn Trí Thông, giám đốc truyền thông Samsung Việt Nam, nhận định.
Chính vì nhóm khách hàng hấp dẫn này, nhiều đối tác được thuê quảng cáo cho nhãn hàng đã bất chấp, ngó lơ những kênh bẩn. Nói cách khác, họ đang tiêu tiền của nhãn hàng trên YouTube nhưng không báo cáo các kênh bẩn nhằm đạt số người tiếp cận.
"Nếu không sâu sát về nội dung, thấy chỗ nào có traffic (truy cập) cao thì đưa quảng cáo vào ngay để mau chóng đạt doanh số thì nhãn hãng hay vô tình bị 'dính chưởng' dù thực lòng không muốn", ông Thông nói thêm.
Doanh nghiệp bất lực với công cụ kiểm soát kênh bẩn của YouTube YouTube cung cấp cho nhãn hàng công cụ giới hạn những kênh có nội dung xấu. Doanh nghiệp có thể lựa chọn thủ công những kênh này sẽ không được hiển thị quảng cáo của họ. Trên danh nghĩa, nhãn hàng có vẻ chủ động nhưng sự thật, họ hoàn toàn bị động với công cụ này.
"Bản thân doanh nghiệp chưa (và không) thể biết tất cả những kênh nội dung và nền tảng quảng cáo mà hình ảnh doanh nghiệp họ sẽ hiển thị", ông Trí Thông nói.
Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể chủ động kiểm soát đích đến của quảng cáo mình sẽ chi tiền. Cách duy nhất họ có thể làm là chi gấp 10-20 lần cho quảng cáo nếu muốn chắc chắn nội dung của họ xuất hiện trên những kênh chọn lọc.
YouTube cung cấp công cụ hạn chế kênh có nội dung không phù hợp. Tuy vậy, doanh nghiệp không thể kiểm soát "biển" video của YouTube.
Điều này cho thấy phía doanh nghiệp vì muốn tiết kiệm chi phí quảng cáo mà nhắm mắt tiếp tay nuôi sống các kênh bẩn.
"Người quảng cáo chỉ có thể chọn được nhóm khách hàng sẽ tiếp cận. Việc quảng cáo sẽ xuất hiện ở đâu, nhãn hàng không thể kiểm soát được và cũng không thể chọn đưa vào 'sổ đen' được vì số lượng lên đến hàng chục nghìn. FPT không thể chọn được đích đến của quảng cáo. Người làm việc đó chính là Google", đại diện truyền thông FPT Shop, doanh nghiệp thường mua quảng cáo Google Adsense, chia sẻ.
"Bản thân doanh nghiệp chưa (và không) thể biết tất cả những kênh nội dung và nền tảng quảng cáo mà hình ảnh doanh nghiệp họ sẽ hiển thị"
Ông Nguyễn Trí Thông, giám đốc truyền thông Samsung Vina.
Bên cạnh đó, các kênh YouTube bẩn thường có tên một đằng mà nội dung một nẻo. "Realme thường chọn lựa các nội dung được giới trẻ theo dõi. Tuy nhiên, công cụ hướng quảng cáo không thể đến đúng mục tiêu bởi họ đặt tên một đường nhưng nội dung một nẻo", đại diện truyền thông hãng điện thoại Realme cho biết.
Tóm lại, YouTube mang danh cung cấp cho nhà quảng cáo công cụ chặn hiển thị trên các nội dung bẩn. Tuy nhiên, vấn đề nhà quảng cáo gặp phải là họ không thể chọn thủ công các kênh độc hại tràn lan trên nền tảng YouTube.
Vì vậy, giữa biển video bao la, nhà quảng cáo mang tiếng chủ động nhưng hoàn toàn bị động.
Trách nhiệm lớn thuộc về YouTube "YouTube phải tăng cường cơ chế giám sát, lọc lược nội dung, không chạy theo lượt xem, đảm bảo các tiêu chí sạch về nội dung. Phía hãng và đối tác quảng cáo cũng phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi các kênh nội dung phân phối quảng cáo của mình có phù hợp không và có biện pháp nhanh, dứt khoát", ông Trí Thông cho biết.
Theo ông Thông, giải pháp toàn diện phải đến từ nỗ lực cả hai phía. "Trong đó, YouTube ở thế chủ động đương nhiên phải có trách nhiệm lớn hơn. Nhãn hàng cũng mong YouTube phải chủ động làm sạch nội dung của mình trước. Vì thực tế, YouTube đang là một trong những nền tảng phân phối nội dung quảng cáo chính tại Việt Nam", ông Thông nói thêm.
Những video vi phạm chính sách YouTube vẫn vô tư hiển thị quảng cáo.
Trên thực tế, các nhãn hàng đều muốn tuân thủ pháp luật nhưng chưa có sự phối hợp cụ thể trong việc kiểm duyệt nội dung.
"Phía FPT Shop đề xuất nên có một cơ quan chuyên ngành, được pháp luật thừa nhận để định nghĩa web/kênh/clip như thế nào là 'đen', đăng tải và định kỳ cập nhật danh sách các web/kênh/clip có vấn đề như vậy trên một trang chính thống, đề nghị doanh nghiệp không quảng cáo trên đó. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có cơ sở xác định và sẽ loại ra bằng cách thủ công", đại diện FPT Shop nói.
Nhiều ông lớn từng tẩy chay YouTube Tại nhiều nước trên thế giới, các nhãn hàng rất nghiêm túc trong việc hình ảnh thương hiệu mình sẽ xuất hiện cạnh những nội dung nào. Năm 2017, hàng loạt nhãn hàng lên tiếng cảnh báo hay thậm chí cắt quảng cáo với YouTube vì để hình ảnh thương hiệu họ xuất hiện trong các video không phù hợp.
"Việc hình ảnh thương hiệu xuất hiện bên cạnh những video phản cảm, vi phạm là chuyện mà các nhãn hàng không nên xem là bình thường. Quảng cáo trong môi trường mạng xã hội, toàn bộ rủi ro nếu có đều thuộc về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách mua quảng cáo còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội”, thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi, giảng viên ngành quan hệ công chúng Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết.
Cũng theo thạc sĩ Kim Chi, khi nhắm mắt chạy theo chỉ số tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp đang đứng trước các khủng hoảng truyền thông không lường trước được.
“Khi rót tiền vào cho một kênh quảng bá thảm họa, các doanh nghiệp chưa lường trước những khủng hoảng sẽ xảy ra sau đó. Một số trường hợp các mẫu quảng cáo hiển thị ngẫu nhiên trên những nội dung xúc phạm chính quyền, nếu bị người dùng chụp lại, rủi ro khủng hoảng khó lường trước được. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là bên bị cơ quan chức năng xử lý đầu tiên”, bà Kim Chi nói thêm.
Nhiều nhãn hàng nước ngoài từng mạnh tay cắt quảng cáo với YouTube khi hình ảnh thương hiệu họ xuất hiện trên các video bẩn về trẻ em.
Unilever, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu tiêu dùng lớn từng gửi tối hậu thư đến Google và Facebook, yêu cầu hai nền tảng này nhanh chóng dẹp nạn tin giả, phân biệt chủng tộc, nội dung khiêu dâm và cực đoan đang tràn lan trên YouTube và mạng xã hội Facebook.
"Chúng tôi không thể cứ tiếp tay cho một chuỗi cung ứng kỹ thuật số (Google và Facebook)... đôi khi không tốt hơn một đầm lầy về sự minh bạch", CNN dẫn lời ông Keith Weed - người đứng đầu mảng marketing của Unilever - phát ngôn trong thông cáo gửi đến Google và Facebook.
Ngoài các rủi ro bất ngờ, việc mua quảng cáo còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. “Không thể nói mẫu quảng cáo mang hình ảnh thương hiệu và nội dung video YouTube là không liên quan nhau được. Ví dụ khi đại sứ thương hiệu gặp khủng hoảng, nhãn hàng ngay lập tức cắt quảng cáo. Nếu tiếp tục quảng cáo là dung túng cho những xấu xa ảnh hưởng đến xã hội dù sản phẩm và cuộc sống đại sứ thương hiệu không có cùng bản chất”, bà Chi kết luận.
Theo Bloomberg và Reuters , Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG và nhiều công ty khác cũng từng đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi chúng xuất hiện trên những video không phù hợp.
"Chúng tôi dừng quảng cáo trên YouTube và Google ngay khi biết tin. Chúng tôi rất sốc và không ngờ rằng quảng cáo lại được phát trên những nội dung nhạy cảm như thế", đại diện Deutsche Bank nói vớiBloomberg.
Đầu năm 2017, YouTube cũng đối mặt với làn sóng rút quảng cáo từ hàng chục công ty lớn như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, Sainsbury's, Toyota, Volkswagen, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal...
">