Tình yêu ở Hội AnCuối 2017, chị Lê Thị Thu Trang (SN 1994) tạm biệt Sài Gòn để vào TP. Hội An, Quảng Nam làm quản lý tour du lịch khi công ty chị mở chi nhánh tại đây. Quyết định này khiến mẹ Thu Trang phải khóc. Nhưng bà không biết rằng, ở mảnh đất mới, con gái đã gặp được “một nửa” của mình.
Cũng thời gian đó, anh Nông Bảo Linh (SN 1993) từ Lạng Sơn vào TP. Hội An để theo đuổi đam mê với công việc chế tác đồ tre. Trước đó, Linh từng có cơ hội vào Hội An và biết đến công việc này.
Khi về Lạng Sơn, Bảo Linh có làm thử vài công việc nhưng những công việc mới này không níu nổi chân anh. Niềm đam mê với các sản phẩm từ tre đã thôi thúc anh từ miền Bắc vào miền Trung mặc cho gia đình can ngăn.
|
Cặp nhẫn tre do Bảo Linh làm tặng Thu Trang. |
|
Anh Bảo Linh trao nhẫn tre cho Thu Trang. |
Tại TP. Hội An, Bảo Linh và Thu Trang gặp và làm quen nhưng chỉ coi nhau như những người bạn. Một lần, cả hai tham gia một lớp học về thiền. Cả lớp được sắp xếp ngồi theo hình tròn và chia sẻ nhiều hơn về bản thân, Bảo Linh và Thu Trang mới để ý đến nhau nhiều hơn.
Anh chàng tìm cách tán đổ cô gái Sài Gòn. “Ban đầu, mình không nghĩ là sẽ yêu anh ấy vì anh Linh không giống với mẫu hình mình tìm kiếm”, Thu Trang thừa nhận.
Anh chàng Bảo Linh đặt các tài khoản Facebook, Instagram của Thu Trang ở chế độ ưu tiên vì vậy cô nàng đăng gì, anh đều vào “thả tim” ngay. Khi Thu Trang sắp đi chơi đâu, anh chàng cũng đòi đi theo chở, quan tâm từ những việc nhỏ nhất.
|
Đám cưới không bia rượu, tiệc mặn hay tiền mừng. |
Cảm nhận chàng trai là người đáng tin, thật lòng nên cô gái Sài Gòn cảm động. Một lần, họ đi Huế chơi, Thu Trang đang ngồi soạn đồ để về, Bảo Linh vội lại gần bảo: “Đưa tay đây”.
“Anh muốn nắm tay mình nhưng lại nói như ra lệnh. Trước giờ, mình mới nghe người ta nói: “Giơ tay lên” chứ chả ai muốn nắm tay lại bảo người yêu như quát: “Đưa tay đây”.
Thực ra, tính anh không mạnh bạo, cộc cằn chỉ là lúc đó run quá. Sau này, trong đám cưới, mình kể lại chuyện trên, mọi người đều cười nghiêng ngả”, chị Thu Trang nhớ lại.
Chàng thợ tre đã tặng cô gái mình thích những sản phẩm do chính tay anh làm như bút tre, lược tre, bông tai… Anh cũng cầu hôn chị bằng một chiếc nhẫn tre hết sức độc đáo.
Sau 1 năm hẹn hò, cặp đôi quyết định chọn TP. Hội An làm địa điểm cưới của mình.
'Đám cưới hand made'
“Chúng tôi gọi đây là tiệc biết ơn. Cả 2 đứa đều chân ướt chân ráo từ nơi khác về Hội An lập nghiệp, đều được giúp đỡ rất nhiều từ những ngày đầu nên mời những người thân đến để chung vui. Họ cũng như là nhân chứng cho chuyện tình của chúng tôi”, Thu Trang nói.
Đây là đám cưới do cả 2 tự tổ chức nên họ được quyền quyết định mọi thứ từ trang trí đến mời khách, sắp xếp tiệc.
Cặp đôi chỉ có 1 ngày 9/11 để chuẩn bị cho đám cưới diễn ra vào chiều 10/11. Những ngày này, mưa bão, gió to nhưng may mắn cả hai vẫn chuẩn bị kịp. Tiệc cưới diễn ra rất vui vẻ.
|
Màn "kể tội" chú rể của cô dâu khiến khách mời cười nghiêng ngả. |
Cặp đôi dự kiến tổ chức ngoài trời, nhưng do mưa gió nên phải chuyển vào xưởng tre - nơi chú rể làm việc. Họ được các đồng nghiệp của chú rể - là những người thợ chế tác đồ tre, giúp đỡ trang trí. Các vật dụng từ tre có sẵn ở shop được mang ra dựng tại hôn trường.
Ban đầu, cặp đôi định làm khung tre, phủ hoa nhưng do mưa bão chợ không còn hoa, hoa dại cũng không có, cả nhóm đành cắt lá dừa để trang trí phông nền chụp hình.
Không muốn dùng nhiều đồ nhựa, cả hai định dùng lá chuối làm đĩa nhưng bão quật làm lá chuối rách hết, họ đành dùng đến đĩa giấy. Anh Linh cũng vót tre làm các xiên đồ ăn.
Không bia rượu, đồ mặn… tiệc cưới chỉ có bánh ngọt và hoa quả. Mẹ chồng của chị Thu Trang ở Lạng Sơn cũng gửi đặc sản là xôi và bánh dậm để cặp đôi đãi khách.
Cô dâu đã chuẩn bị váy cưới để đi cạnh chú rể mặc vest nhưng do thời tiết lạnh, chị Thu Trang đành mượn áo dài trắng của một chị bạn. Không ngờ, trang phục này lại rất hợp với không gian cưới, khiến nhiều người nhận xét như một đám cưới mang phong cách thập niên 80.
Dù đã chuẩn bị nhẫn vàng nhưng tại tiệc cưới này, chú rể vẫn lấy ra đôi nhẫn bằng tre do anh tự làm để đeo lên tay cô dâu.
|
Không nhận tiền mừng cưới, quà của họ là những món đồ hand made. |
Khách mời của cặp đôi khoảng 30 người là những người bạn thân thiết của cả hai. Các khách mời được xếp ngồi hình tròn, cô dâu và chú rể ở giữa. Sau khi dùng tiệc buffet đồ ngọt, cặp đôi bắt đầu kể chuyện tình yêu. Họ cũng lần lượt gửi lời cảm ơn đến từng người đã giúp đỡ cả hai suốt 3 năm qua tại Hội An.
Khi tự thiết kế thiệp mời gửi cho bạn bè, cặp đôi cũng nhắn nhủ là họ không nhận tiền mừng.
“Sự hiện diện của mọi người đã là món quà cho chúng mình. Mọi người tặng 2 vợ chồng những món quà hand made như: cặp vỏ gối tự may, thêu; bức tranh do những người bạn là họa sĩ vẽ…”, chị Trang kể.
Đám cưới được nhiều người đánh giá là ấm cúng, độc đáo. Những người bạn của cặp đôi - hầu hết đều lập gia đình, đã nói, họ muốn cưới lại lần nữa để có một đám cưới nơi mà cả khách mời lẫn cô dâu, chú rể đều “cười không ngớt”.
“Do khách của bố mẹ đều đông nên 2 gia đình vẫn tổ chức đám cưới tại Sài Gòn (13/12) và Lạng Sơn (26/12) tới đây. Nhưng ở Hội An mới là đám cưới chúng mình mong chờ nhất. Thay vì tổ chức theo truyền thống, chúng mình muốn có một ngày vui theo ý của cả hai”, chị Thu Trang nói.
Xem thêm một số hình ảnh trong tiệc cưới của cặp đôi 9X:
|
Tiệc buffet hoa quả và bánh. |
|
Bức hình vẽ cô dâu chú rể được lồng vào khung tre. |
|
Những món đồ bằng tre được trưng dụng để trang trí cho tiệc cưới. |
|
Đám cưới diễn ra trong tiếng cười không ngớt. |
|
Khách mời viết lời chúc cho cô dâu, chú rể. |
|
Cặp đôi nắm tay nhau vào hôn trường. |
|
Khách mời là những người bạn thân thiết đã giúp họ từ ngày đầu đến Hội An lập nghiệp. |
Chuyện tình chàng Việt kiều Mỹ và cô hàng xóm phải nhờ bà ngoại ‘làm mai’
Mến cô hàng xóm dễ thương nhưng anh Quốc Việt chưa một lần dám bắt chuyện. Chỉ đến khi sang Mỹ, nhờ bà ngoại mai mối, anh mới dám bày tỏ tình cảm của mình.
" width="175" height="115" alt="Đám cưới không bia rượu, tiền mừng của nữ quản lý và chàng thợ tre" />