Sau một đề cử Oscar cho Fantastic Mr.Fox, đạo diễn bậc thầy Wes Anderson lại một lần nữa quay trở lại với thể loại hoạt hình stop-motion (hoạt hình tĩnh vật) bằng tác phẩm Isle of Dogs (Đảo Của Những Chú Chó). Chưa thể biết được rằng liệu Isle of Dogs có tái lập được thành công của Mr.Fox hay không nhưng trước mắt, bộ phim đã làm nên lịch sử ở Liên hoan phim Berlin, trở thành phim hoạt hình đầu tiên sau 68 năm được chọn chiếu mở màn ở LHP danh giá này.Nội dung của Isle of Dogs đặt bối cảnh ở 20 năm sau thực tại giả tưởng trong phim, tại thành phố Megasaki ở Nhật Bản. Vốn là hậu duệ của một dòng tộc tôn thờ mèo, vị thị trưởng Kobayashi quyết định đưa ra một sắc lệnh cách ly loài chó với con người, tống khứ chúng vào một hòn đảo chứa đầy rác thải ở bên ngoài thành phố (các bạn yêu mèo hãy cứ bình tĩnh). Trong bối cảnh dịch cúm chó đang hoành hành và có thể lây sang người, Kobayashi dễ dàng có được sự đồng thuận của quần chúng để thực hiện kế hoạch của mình.
Trên hòn đảo rác đó, một nhóm các chú chó bắt đầu tụ họp lại với nhau để sinh tồn. Nhóm những kẻ sinh tồn này bao gồm Rex (Edward Norton), King (Bob Balaban), Boss (Bill Murray) và Duke (Goldblum). Chúng quyết định giải cứu một cậu bé 12 tuổi tên là Atari Kobayashi (Ryo Rankin) khi máy bay của cậu bị rơi xuống hòn đảo.
Trái ngược với ông chú cùng họ, Atari có tình cảm đặc biệt với chú chó vệ sĩ của mình là Spots (Liev Schreiber). Trong hành trình tìm kiếm tung tích của Spots trên Đảo Rác, Atari đã phải cầu viện sự giúp đỡ của một gã chó hoang là Chief (Bryan Cranston). Trên hành trình đó, dần dần giữa Atari và Chief đã nảy sinh một mối quan hệ mới.
Cũng như lời tuyên bố nội dung của Grand Budapest Hotel chịu ảnh hưởng từ nhà văn Stefan Zweig, Wes Anderson không ngần ngại công khai rằng nguồn cảm hứng của mình khi làm Isle of Dogs đến từ Akira Kurosawa - vị "hoàng đế" của điện ảnh Nhật Bản . Tạo hình của thị trưởng Kobayashi làm người xem lập tức nhớ đến khuôn mặt của Toshiro Mifine – cây đại thụ trong làng diễn xứ mặt trời mọc và cũng là chàng thơ của Kurosawa. Tuy vậy, phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Nhật với Wes Anderson khi thực hiện Isle of Dogs không dừng lại ở Akira Kurosawa.
Bên cạnh tiếng trống taiko đặc trưng trong các phim thời hoàng kim của Kurosawa như Seven Samurai hay Drunken Angel, bộ phim cũng sử dụng một phần nhạc nền bằng tiếng vĩ cầm trong Fires on the Plain của Kon Ichikawa. Cách điều phối sự chuyển động trong Isle of Dogs cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ hai bậc thầy khác của điện ảnh Nhật là Yasujiro Ozu và Seijun Suzuki, một người được coi là thiền sư trong cách sử dụng sự tĩnh lặng, người kia lại được gọi là thi sĩ của các chuyển động. Cả hai đều rất điêu luyện trong việc điều khiển ánh sáng và màu sắc. Ngoài ra, Wes Anderson cũng cài cắm thật nhiều chi tiết để gợi nhắc đến văn hóa Nhật như kịch Kabuki, đấu vật sumo, thơ haiku, các bức tranh được vẽ theo phong cách của Katsushika Hokusai và cỏ susuki.
Tuy nhiên, Isle of Dogs không phải là bộ phim dành riêng cho những người yêu Nhật Bản. Nó là bộ phim dành cho những người quan tâm đến điện ảnh. Giống như The Darjeeling Limited lấy bối cảnh ở Ấn Độ nhưng không nói về Ấn Độ, Nhật Bản cũng không phải là nhân vật chính của Isle of Dogs. Nếu như để chọn ra đâu là nhân tố chính trong tác phẩm thì phong cách của Anderson mới là thứ được chính ông đề cao nhất. Sau hàng loạt những kích động dễ chịu về mặt thị giác, Wes Anderson vẫn giữ vững dấu ấn của mình bằng sự hài hước, ấm áp nhưng đầy cảm động.
Trong lần trở lại với stop-motion này, Anderson và nhóm của ông đã kiến tạo ra một thế giới dày đặc các hiệu ứng về thị giác. Với những cấu trúc đô thị sáng rực trong các gam màu nóng, những cụm rác thải đồ sộ nhưng rất có bố cục, sự tương phản giữa các khối hình ảnh, bộ phim hiện lên như một bản hòa tấu của những sắc màu tươi mát. Nước Nhật nửa điêu tàn, nửa rực rỡ trong Isle of Dogs của Wes Anderson chứa đầy những hình ảnh ngộ nghĩnh mà chỉ có thể loại stop motion mới mang lại được như những cảnh đánh nhau bị bao phủ bởi lớp bụi được làm bằng bông gòn, dòng sông cuồn cuộn chảy được làm bằng giấy bóng kính, những đám mây được làm bằng sợi len cotton còn các đoạn hình trên TV được chuyển thành hoạt hình 2D.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nói rằng Isle of Dogs không phải là một phim thiếu nhi. Dù trước đó Fantastic Mr. Fox được xếp loại PG nhưng với Isle of Dogs, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đã quyết định dán nhãn PG-13 cho bộ phim vì "các yếu tố chủ đề và hình ảnh bạo lực". Cũng như hầu hết các phim người đóng khác của Anderson thì đều được xếp loại R, Isle of Dogs không hề thiếu những hình ảnh không thích hợp với trẻ em.
Ngay từ những phút đầu tiên, chúng ta đã được thấy một chú chó bị cắn đứt lìa tai sau một cuộc tranh giành thức ăn ở Đảo Rác. Nhân vật chính Atari bị bulông cánh quạt găm vào đầu chảy máu. Một trường đoạn ghi lại chi tiết cảnh làm sushi bạch tuộc cho thấy cá, cua và một cái vòi bạch tuộc vẫn còn giãy giụa bị cắt thành từng khúc. Ngoài ra cũng có một cảnh ghi hình trực tiếp ca ghép nội tạng người. Wes Anderson luôn cố gắng làm cho chúng ta dễ chịu khi nhìn vào phim của ông nhưng cũng không có nghĩa là vị đạo diễn này quay lưng với sự tàn khốc. Nhất là khi những nỗi buồn da diết là yếu tố thường trực trong các phim của ông.
Bộ phim bắt đầu bằng một sự kiện buồn nhưng không để cho nó nhấn chìm nhịp phim xuống mà tiếp tục phát triển thành một cuộc phiêu lưu ở giai đoạn tiếp theo. Cuối cùng kết thúc bằng một cái kết thỏa mãn nhưng cũng không quên để lại trong lòng khán giả một cảm giác mất mát thoang thoảng. Bộ ba nhân vật chính Spot, Atari và Chief được phát triển rất tốt. Khán giả hiểu được vì sao Atari lại sẵn sàng làm mọi thứ cho chú chó của mình đến vậy và động cơ cho lòng trung thành của Spot là gì. Đặc biệt nhất phải nói đến chuyển biến tâm lý của nhân vật Chief. Ban đầu xuất hiện như một kẻ ngang tàng và khó gần nhưng càng về sau, nhưng chi tiết trong quá khứ của Chief dần được bộc lộ và chúng ta thông cảm với cậu ta hơn, thậm chí cổ vũ cho Chief đi trên con đường của mình.
Sau tất cả những chia ly, khổ đau và bệnh tật, Isle of Dogs giống như một cơn gió buồn man mác, thổi vào trong lòng người xem những rung động dù là nhỏ nhất. Qua lăng kính của ông, nỗi buồn được kể lại bằng một giọng điệu khác, có phần nhởn nhơ, châm chọc nhưng cũng rất lạc quan và đầy cảm thông. Cũng như cơn gió vừa mới xuất hiện đã bỗng chốc biến mất. Nỗi buồn đến rồi lại đi, chỉ có sự hoài niệm là ở lại. Quan trọng là ở cách ta nhìn nhận và đối mặt với nó.
Tác phẩm hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo GenK
" alt=""/>'Isle of Dogs': Xã hội bầy chó qua lăng kính khác lạ của phù thủy bậc thầy Wes Anderson