Theo video được K. chia sẻ, ngoài một số thông tin về cá nhân như họ và tên, năm sinh, học vấn là thật, những thông tin còn lại trong CV của cô đều được tự thêu dệt, "làm màu" thật lung linh, để níu kéo được sự quan tâm của nhà tuyển dụng.
Trong CV, K. tự nhận kỹ năng Tin học văn phòng đạt 4/5 điểm. Tuy nhiên, trong video, cô thú nhận kỹ năng này của bản thân gần như bằng 0.
Theo video, K. nói dối cô đạt 7.0 IELTS, thế nhưng thực tế cô nàng chỉ thi được 6.5 IELTS. Lý do khiến cô dám viết bừa trong CV vì cô nghĩ không có nhiều nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra lại chứng chỉ IELTS đã hết hạn của ứng viên.
Trong mục " Kinh nghiệm làm việc ", K. liệt kê kinh nghiệm làm việc tại 4-5 vị trí khác nhau. Thời gian làm việc kéo dài khoảng 6 tháng - hơn 1 năm cho mỗi công việc.
YouTuber này còn nhờ bạn thân để cùng đánh lừa nhà tuyển dụng. Cụ thể, trong mục "Người tham chiếu", K. đã ghi tên hai người bạn cùng với thông tin cá nhân của họ.
Mục đích của K. là khi nhà tuyển dụng tìm đến hai người bạn này, họ sẽ nhắc tới cô với những lời tốt đẹp, từ đó CV của K. càng thuận lợi qua mắt nhà tuyển dụng. Tất nhiên là trước đó, K. đã liên hệ trước với hai người bạn và đề cập vấn đề này.
K. còn tự tin tuyên bố, những người cô biết thường "khai khống" CV. Vì vậy, cô cũng "tô hồng" CV để đi phỏng vấn. "Đến khi gặp nhau rồi mới nhận ra hai bên không dành cho nhau. Sau đấy, mới đường ai nấy đi", K. chia sẻ trong video.
Trao đổi về trường hợp này, Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Duyên, chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp cho biết, nếu trong trường hợp tuyển dụng làm đủ ba lớp thì cô gái này sẽ bị loại từ vòng "gửi xe".
Chuyên gia này phân tích, lớp thứ nhất, nhà tuyển dụng sẽ tiếp nhận lớp CV. Lớp thứ hai, bộ phận nhân sự của doanh nghiệp sẽ tiến hành đưa ra các bài kiểm tra về chuyên môn phù hợp vị trí người lao động ứng tuyển. Ở đây, người lao động có thể được nhà tuyển dụng mời đến văn phòng để thực hiện. Hoặc có trường hợp bộ phận nhân sự sẽ đưa ra những công cụ kiểm tra như "bài tập lớn" cho ứng viên.
"Lớp thứ ba là phỏng vấn cấu trúc. Một nhóm gồm chuyên môn, nhân sự sẽ phỏng vấn trực tiếp theo cấu trúc, theo lớp. Ở vòng này, những bạn "bịa" cho CV đẹp lên, không đúng năng lực thì khó lòng "qua mắt" được nhà tuyển dụng", bà Duyên phân tích.
Theo chuyên gia này, hầu hết các đơn vị tuyển dụng sẽ trải qua quy trình trên. Chỉ có doanh nghiệp nào nhỏ hoặc quá cần người mà bỏ qua những bước tuyển dụng này thì những cô gái như trên mới có thể "lọt" qua được.
Qua quan sát, bà Duyên cho biết, với những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng thêm bước gọi lại cho công ty cũ mà ứng viên từng làm để kiểm tra.
Ở trong video này, cô gái K. cũng nhắc đến việc bịa đặt người tham chiếu, để số điện thoại của bạn thân để họ nói tốt về mình.
"Dựa trên những mối quan hệ trực tiếp của người làm nhân sự, thì họ sẽ có cách liên hệ với đơn vị cũ một cách chuẩn xác, chứ không phải lấy thông tin từ CV. Đôi khi, người tham chiếu trong CV của ứng viên cũng không có giá trị tham khảo", bà Duyên khẳng định.
Chuyên gia này đưa ra lời khuyên để lọc được CV đánh bóng khả năng của ứng viên, nhà tuyển dụng cần làm chặt chẽ, tuân thủ đủ các bước. Qua trường hợp trên, cũng là sự cảnh báo có hiện tượng này diễn ra và lan truyền xấu.
"Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần loại bỏ những thông tin xấu, độc trên về CV tuyển dụng. Mỗi người lao động nên tự đầu tư vào bản thân mình để có giá trị và năng lực thật sự. Bởi, mọi điều giả dối sẽ khiến các bạn mất thì giờ mà thôi. Cùng thời gian đó, các bạn trẻ sẽ vững tin với công việc, chứ không "ăn xổi" được vài ngày", bà Duyên đưa ra lời khuyên.
">