TheôngtycủaElonMuskgiếthạiđộngvậtkhithửnghiệmchipnãxả đồo hãng thông tấn Reuters, công ty thiết bị y tế Neuralink của Elon Musk đang bị điều tra vì có khả năng vi phạm quyền lợi của động vật. Nhân viên của hãng khiếu nại các thử nghiệm trên động vật của họ được tiến hành gấp rút, dẫn đến đau đớn và tử vong không cần thiết.
Neuralink đang phát triển chip để cấy vào não, giúp người bị liệt đi lại được hay người mù nhìn thấy được. Nguồn tin của Reuters tiết lộ Tổng thanh tra của Bộ Nông nghiệp mở cuộc điều tra theo yêu cầu của một công tố viên liên bang. Nó tập trung vào các hành vi vi phạm Đạo luật Phúc lợi động vật, quản lý cách đối xử và thử nghiệm một số loài động vật của các nhà nghiên cứu.
Xem xét hàng chục tài liệu của Neuralink kết hợp với phỏng vấn hơn 20 nhân viên cũ và mới, Reuters cho biết nhân viên ngày càng bất mãn về việc thử nghiệm trên động vật. Họ phàn nàn áp lực từ Elon Musk khiến quá trình bị đẩy nhanh dẫn đến các thử nghiệm thất bại. Số lượng động vật được thử nghiệm và thương vong tăng lên theo số lần thử nghiệm.
Tổng cộng, theo Reuters, Neuralink đã giết hại khoảng 1.500 con vật, trong đó có hơn 280 con dê, lợn và khỉ từ khi bắt đầu thử nghiệm năm 2018. Các nguồn tin cho biết đây chỉ là ước tính thô vì công ty không lưu giữ hồ sơ chính xác về số lượng động vật bị đem ra thử nghiệm và chết. Neuralink cũng nghiên cứu trên chuột cống và chuột nhắt.
Dù vậy, Reuters lưu ý số lượng động vật chết không nhất thiết chỉ ra Neuralink vi phạm quy định hoặc thực hành nghiên cứu tiêu chuẩn. Nhiều công ty thường xuyên thử nghiệm trên động vật để tìm ra những phương pháp chăm sóc sức khỏe cho con người. Họ cũng đối mặt với áp lực tài chính phải nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, theo các nhân viên cũ và mới của Neuralink, số lượng con vật tử vong cao hơn mức cần thiết vì một số lý do liên quan đến nhu cầu đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu của Musk. Thông qua các tài liệu, Reuters xác định 4 thí nghiệm liên quan đến 86 con lợn và 2 con khỉ đã bị thất bại trong những năm gần đây do lỗi của con người. Ba trong số các nhân viên tiết lộ sai lầm làm suy yếu giá trị nghiên cứu của thí nghiệm và phải lặp lại thí nghiệm, dẫn đến nhiều động vật bị giết hơn. Ba người cho rằng sai sót là do nhân viên làm việc trong môi trường quá áp lực.
Musk đang nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ tại Neuralink, vốn phụ thuộc nhiều vào thử nghiệm trên động vật. Chẳng hạn, ông từng gửi thư cho nhân viên vào lúc 6h37 sáng ngày 8/2 kèm theo một bài báo về việc các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ phát triển thiết bị cấy ghép giúp một người đàn ông bị liệt đi lại được. 10 phút sau, ông gửi tiếp email khác, phàn nàn công ty không tiến bộ đủ nhanh và điều này khiến ông “phát điên”.
Theo Reuters, nhiều vấn đề trong quá trình thử nghiệm của Neuralink khiến nội bộ nghi ngờ về chất lượng của dữ liệu kết quả. Chúng có thể khiến thử nghiệm trên người bị trì hoãn, điều mà Musk mong muốn diễn ra trong 6 tháng tới.
Musk ngày càng mất kiên nhẫn với Neuralink, công ty thành lập năm 2016 vì trễ hẹn với các mục tiêu quan trọng. Trong khi đó, một số đối thủ của họ lại đạt nhiều thành tựu. Chẳng hạn, Synchron – ra đời cùng năm – đang phát triển một thiết bị cấy ghép khác với các mục tiêu kém tham vọng hơn. Synchron đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để thử nghiệm trên người trong năm 2021. Thiết bị của họ giúp người bị liệt nhắn tin và nhập liệu chỉ bằng cách suy nghĩ. Họ cũng tiến hành thử nghiệm trên động vật nhưng chỉ giết khoảng 80 con cừu khi nghiên cứu.
Theo vài cách nào đó, Neuralink đối xử với các con vật khá tốt so với những cơ sở nghiên cứu khác. Lãnh đạo công ty khoe khoang về một “Disneyland cho khỉ” tại phòng thí nghiệm Austin, Texas. Một cựu nhân viên tiết lộ Musk nói không muốn sử dụng động vật để nghiên cứu nhưng muốn bảo đảm chúng là những “con vật hạnh phúc nhất” khi còn sống.
(Theo Reuters)